Khoản vay của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang ngày càng tăng lên. Đây là kết quả khi nguồn thu thuế và doanh số bán bất động sản đồng loạt suy giảm.
Số địa phương chạm ngưỡng nợ báo động đang tăng lên tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Khoản nợ ngoài sổ sách của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng thêm một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2022. Doanh thu của nhiều địa phương bị suy giảm, nhiều cơ quan đã phải vay tiền với lãi suất cao để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nền kinh tế, theo Nikken Asia.
Các chuyên gia kinh tế của Rhodium Group cho biết tổng số nợ của những công ty huy động vốn thuộc chính quyền địa phương (LGFV) đã tăng lên khoảng 59.000 tỷ nhân dân tệ (8.250 tỷ USD) vào cuối năm ngoái.
LGFV là một công cụ giúp các khoản nợ của chính quyền địa phương không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, đây sẽ được xem như một khoản nợ của chính phủ đối với các thị trường tài chính. Các khoản vay này thường được bảo lãnh ngầm bởi chính quyền địa phương và tồn tại dưới dạng nợ tiềm ẩn.
Số tiền này không chỉ phục vụ cho việc xây dựng các công trình công cộng mà còn được sử dụng để mua đất thuộc sở hữu của Nhà nước khi nhu cầu bất động sản giảm xuống. Điều này giúp tăng doanh thu của địa phương trên lý thuyết nhưng cũng đồng thời cũng tạo thêm áp lực cho các khoản nợ.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các chính quyền địa phương có khoản nợ trên sổ sách trị giá 35.000 tỷ nhân dân tệ (4.893 tỷ USD) vào cuối năm 2022. Nếu tính thêm các khoản nợ từ LGFV, tổng khoản vay sẽ gần 100.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13.982 tỷ USD), tương đương gần 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Trong năm 2022, khoảng một nửa trong số 205 địa phương tại Trung Quốc ghi nhận chi phí trả nợ chiếm đến hơn 10% tổng nguồn thu ngân sách, tỷ lệ này cho thấy các khoản nợ sẽ khó được chi trả. Trước đó một năm, chỉ 1/3 số địa phương chạm đến ngưỡng này.
Doanh thu từ các địa phương đã bị thiệt hại khi nguồn thu thuế giảm mạnh. Đây là kết quả của việc chính quyền trung ương cắt giảm thuế nhằm giúp nền kinh tế vực dậy trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, mức thuế đang tăng trở lại trong năm nay khi chính sách Zero Covid-19 bị gỡ bỏ vào tháng 1. Dẫu vậy, ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất mà các địa phương phải gánh chịu lại đến từ sự suy giảm trong doanh thu bất động sản.
Số tiền đến từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước đã lần đầu tiên vượt qua nguồn thu thuế vào năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021, trước khi sụt giảm vào năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm nay, doanh thu từ bất động sản đã giảm 45% so với cùng kỳ năm 2021.