Giá năng lượng và lạm phát liên tục ở mức cao cùng nhiều khó khăn khác, từ tháng 8/2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp Đức mất khả năng thanh toán liên tục tăng.
Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), trước một loạt khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp nước này đã không thể trụ vững. Thời gian qua, số doanh nghiệp Đức đăng ký phá sản tăng mạnh.
Số liệu của Destatis cho thấy trong tháng 7/2023, số doanh nghiệp Đức nộp đơn đăng ký phá sản tăng 23,8% so với cùng tháng năm ngoái. Trước đó vào tháng 6, số vụ đăng ký phá sản cũng tăng 13,9% so với Tháng 6/2022.
Destatis cho biết do ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine, giá năng lượng và lạm phát liên tục ở mức cao cùng nhiều khó khăn khác, từ tháng 8/2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp Đức mất khả năng thanh toán liên tục tăng.
Trong tháng 5/2023, các tòa án của Đức đã chấp nhận 1.478 đơn đăng ký phá sản, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng các vụ phá sản lớn nhất thuộc về lĩnh vực vận tải và kho bãi, tiếp đến là các dịch vụ kinh tế khác; trong khi lĩnh vực cung cấp năng lượng có số lượng doanh nghiệp đăng ký phá sản ít nhất.
Tuy vậy, nền kinh tế Đức cũng có những điểm sáng nhất định. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Destatis cho biết trong nửa đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Đức đạt 797,8 tỷ euro (khoảng 875 tỷ USD), tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu đạt 699,1 tỷ euro, giảm 4,3%. Tính chung, thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đạt 98,7 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023, cao hơn gấp đôi so với nửa đầu năm 2022 (41,8 tỷ euro).
Mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Đức trong nửa đầu năm 2023 là xe có động cơ và phụ tùng, với trị giá đạt 136,5 tỷ euro, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là máy móc, với trị giá 112,4 tỷ euro, tăng 11%.
Theo Destatis, cũng như những năm trước, Mỹ tiếp tục là thị trường bán hàng quan trọng nhất của Đức. Trong nửa đầu năm 2023, lượng hàng hóa Đức xuất khẩu sang Mỹ đạt 78 tỷ euro. Các thị trường lớn tiếp theo của các nhà sản xuất Đức là Pháp (60,5 tỷ euro) và Hà Lan (57,7 tỷ euro).
Ngược lại, trong lĩnh vực nhập khẩu, Trung Quốc là quốc gia cung cấp hàng hóa lớn nhất cho nền kinh tế Đức với 79,3 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023. Các quốc gia tiếp theo là Hà Lan (54,0 tỷ euro) và Mỹ (47,5 tỷ euro).
Trong nửa đầu năm 2023, Đức có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (30,5 tỷ euro); tiếp theo là Pháp (24,7 tỷ euro) và Vương quốc Anh (19,7 tỷ euro). Ngược lại, thâm hụt thương mại lớn nhất của Đức là trong quan hệ với Trung Quốc (Đức nhập siêu 29,8 tỷ euro từ Trung Quốc)./.