Chính sách giữ chặt nguồn đô la Mỹ dự trữ quí giá của chính phủ Pakistan đã giúp duy trì sự ổn định của đồng nội tệ rupee. Nhưng điều này lại gây tổn thương cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi họ rơi vào vòng luẩn quẩn đóng cửa rồi tái mở cửa nhà máy do không được tiếp cận đầy đủ đồng bạc xanh để nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu thô.
Một văn phòng thu đổi ngoại tệ ở Karachi, Pakistan. Dữ trữ ngoại hối của Pakistan chỉ còn 8 tỉ đô la Mỹ, vì vậy, chính phủ hạn chế cung cấp đô la cho các ngân hàng. Ảnh: AFP
Hãng Suzuki của Nhật Bản đã phải đóng cửa nhà máy lắp ráp xe máy ở Pakistan trong 16 ngày cho đến giữa tháng 8 do thiếu linh kiện dự trữ. Nhiều công ty khác ở nước này cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Tháng trước, Công ty sản xuất hóa chất Sitara Peroxide đóng cửa nhà máy trong 4 tuần, trong khi nhà sản xuất ô tô Toyota cũng đóng cửa nhà máy trong 2 tuần.
Do không tiếp cận được đô la để chi trả cho nguyên liệu thô nhập khẩu, nhiều nhà máy đã buộc đóng cửa trong nhiều tuần kể từ khi quốc gia Nam Á này rơi vào khủng hoảng nợ vào năm ngoái. Thực trạng đó đang gây áp lực lên các ngành công nghiệp từ sắt thép đến ô tô do hoạt động sản xuất rơi vào bế tắc.
Sau khi nhận được hàng tỉ đô la từ gói vay giải cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chủ nợ khác hồi tháng 7, Pakistan đang ưu tiên ổn định đồng nội tệ để phục hồi sau cuộc khủng hoảng nợ. Hàng ngàn công ty đang gặp khó khăn trong việc xin giấy phép nhập khẩu cho nhu cầu sản xuất của họ. Và hàng loạt lô hàng hóa vẫn bị mắc kẹt tại các cảng ở Pakistan khi chính phủ hạn chế đáp ứng nhu cầu đô la để ngăn chặn tình trạng cạn kiệt kho dự trữ ngoại hối của quốc gia.
“Đô la Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng. Các công ty sẽ tiếp tục hoạt động với công suất tối thiểu. Nhập khẩu cuối cùng sẽ bình thường hóa, nhưng có thể mất thêm sáu tháng nữa”, Khurram Schehzad, CEO của Alpha Beta Core Solutions, một công ty tư vấn tài chính ở thành phố Karachi, dự báo.
Đồng rupee của Pakistan đã ổn định trong những tháng gần đây sau khi mất giá vào tháng 1 và bị bán tháo vào tháng 5. Đồng tiền này giảm giá khoảng 20% trong năm nay. Dự trữ ngoại hối của Pakistan tăng gấp đôi lên 8 tỉ đô la kể từ khi IMF giải ngân gói vay giải cứu. Nhưng áp lực vẫn còn do các nhu cầu tài chính của Pakistan tăng cao. Hai ngân hàng Standard Chartered và Natixis dự đoán đồng rupee, giao dịch ở mức 288 đổi một đô la hôm 15-8, sẽ suy yếu xuống mức thấp kỷ lục 300 vào cuối năm nay.
“Giới chức trách Pakistan dựa vào các biện pháp kiểm soát nhập khẩu để hạn chế nhu cầu đồng đô la và giữ dự trữ ngoại hối ổn định. Đồng rupee giảm giá là cần thiết để khôi phục lại sự cân bằng trên thị trường ngoại hối, nếu không, tình trạng thiếu hụt đồng đô la sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng”, Patrick Curran, nhà kinh tế cấp cao của hãng phân tích dữ liệu thị trường Tellimer, nói.
Chi nhánh của Suzuki tại Pakistan công bố khoản lỗ hàng quí lớn nhất trong ít nhất một thập niên trong ba tháng kết thúc vào tháng 3, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Hiệp hội các nhà sản xuất thép lớn của Pakistan cho biết, ngành này chỉ đang hoạt động ở mức 40- 50% công suất.
Tăng trưởng của nền kinh tế trị giá 377 tỉ đô la đã khựng lại trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 6, với mức sụt giảm khoảng 0,5%, theo ước tính của IMF.
Các doanh nghiệp ở Pakistan đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận chứng thư bảo lãnh tín dụng, một công cụ tài chính thương mại tạo điều kiện thanh toán giữa người mua và người bán do các ngân hàng cấp. Dù dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập khẩu vào tháng 7, Ngân hàng trung ương Pakistan cũng ngừng cung cấp đô la cho các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của khách hàng. Việc dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu là một trong những điều kiện của khoản vay từ IMF.
“Tình hình rồi sẽ trở nên tốt hơn, nhưng khi nào điều đó xảy ra hoặc vẫn là một dấu hỏi”, Abdul Waheed Khan, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Pakistan, nói.
Trong khi thỏa thuận gói vay của IMF đã đặt nền kinh tế Pakistan lên một nền tảng ổn định hơn, tình hình bất ổn chính trị đang tăng lên trước thềm các cuộc bầu cử. Tuần trước, Thủ tướng Shehbaz Sharif bàn giao quyền lực cho một chính phủ tạm quyền trong khi đối thủ Imran Khan đang yêu cầu tòa án xem xét lại bản án tù ngăn cản ông tham gia tranh cử.
Một số doanh nghiệp nói rằng, các ngân hàng quyết định công ty nào sẽ nhận được đô la. Air Link Communication, công ty lắp ráp điện thoại di động ở thành phố Lahore cho các công ty bao gồm Xiaomi, không còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đô la nữa.
“Các ngân hàng đang làm việc có trách nhiệm. Nếu gặp một khách hàng không tốt, tất nhiên họ sẽ mở ít chứng thư bảo lãnh tín dụng hơn”, Muzzaffar Hayat Piracha, CEO của Air Link Communication nói.
Với cơn khủng hoảng thiếu đô la dự kiến còn kéo dài trong một thời gian, các doanh nghiệp chuyển sang các giải pháp sáng tạo. Arif Habib Corp., một tập đoàn đầu tư hàng hóa và dịch vụ tài chính, cho biết, công ty chia các khoản mua đô la và gửi vào nhiều ngân hàng để đảm bảo đủ ngoại tệ.
Arif Habib, CEO của công ty này, nói: “Chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm là nếu muốn mở chứng thư bảo lãnh tín dụng trị giá 20 triệu đô la, bạn không nên dựa vào một ngân hàng mà hãy chia nó cho 5 ngân hàng”.