Sau khi doanh nghiệp đền bù cho các hộ nông dân trồng đu đủ ở Nghệ An 225 triệu đồng/ha vì không thể bao tiêu sản phẩm, thì bất ngờ, gần 1 tuần qua giá đu đủ tăng gấp đôi.
Trưa nay (28/8), trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) phấn khởi cho biết, giá đu đủ trong một tuần qua liên tục tăng, các thành viên trong hợp tác xã đều bán được giá cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Hiện thương lái đã thu mua khoảng 75 tấn quả chín.
Hợp tác xã Tây Hiếu đã được quyền bán đủ đủ do mình trồng, sau khi làm các thủ tục giải quyết hợp đồng, nhận hỗ trợ hàng trăm triệu đồng/ha từ doanh nghiệp hứa thu mua ban đầu (nhưng vì lý do “bất khả kháng” nên không thể bao tiêu).
Cây đu đủ cho năng suất cao và giá cả tăng vọt. Ảnh: QT
Giá doanh nghiệp ban đầu cam kết bao tiêu là 3.500 đồng/kg đu đủ, vậy nhưng, những ngày qua, các thương lái, doanh nghiệp ở trong nước đã tìm đến thu mua liên tục đã đẩy giá lên từ 6.500-7.000 đông/kg.
Do có nhiều người thu mua đu đủ, các thành viên trong hợp tác xã đã phải thuê thêm người làm thời vụ mới kịp thu hoạch.
Chỉ trong 1 tuần qua, với diện tích hơn 13ha trồng đu đủ, bà con nông dân ở thị xã Thái Hoà đã bán được khoảng 75 tấn quả chín. Số còn lại khoảng 130 tấn quả xanh, sẽ cho thu hoạch từng ngày.
“Ngày hôm qua giá đu đủ khoảng 5.000 đồng một cân. Hôm nay giá đã lên 6.500 đồng/kg. Giá đu đủ tăng lên từng ngày. Gia đình tôi hôm qua và hôm nay thu hoạch được khoảng 1 tấn. Nhiều vườn của bà con trong hợp tác xã đu đủ chín không kịp cho thương lái đến thu mùa. Thật sự bà con rất vui trước nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh suốt tuần qua”, ông Trung bộc bạch.
Còn trước đó, khi đu đủ đến độ thu hoạch thì doanh nghiệp thông báo không thu mua. Một số lượng đu đủ lớn bị rụng xuống và hư hỏng là do bà con “bất mãn” không chăm sóc.
Ông Trung cho biết thêm, cây đu đủ rất hợp với vùng đất ở thị xã Thái Hoà, nếu chăm sóc và thâm canh đúng thời vụ thì sẽ cho năng suất cao.
“Vào dịp này lượng đu đủ tiêu thụ nhiều hơn bình thường, có thể là do người dân mua nhiều để cúng rằm tháng 7. Giá đu đủ có thể vì thế mà được đẩy lên cao", ông Trung dự đoán.
Trước diễn biến người nông dân Nghệ An trồng đu đủ bán được giá cao, đại diện doanh nghiệp từng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chỉ nói ngắn gọn rằng "giải quyết được đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân là mục đích cuối cùng của doanh nghiệp, nên không bình luận thêm”.
Như VietNamNet đã đưa tin, hàng chục héc ta đu đủ đến kỳ thu hoạch, quả chín rụng đầy gốc trồng tại thị xã Thái Hoà (Nghệ An) nhưng Công ty CP Chanh leo Nafoods không đến thu mua như hợp đồng đã ký ban đầu.
Sản lượng đu đủ ước tính gần 2.000 tấn, quả đang rụng dần mỗi ngày song người dân lại không được bán vì sợ vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
Theo hợp đồng ký tháng 11/2022, Công ty CP Chanh leo Nafoods (có địa chỉ ở phường Quán Bàu, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) sẽ cung cấp cây giống đu đủ hồng phi Đài Loan và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu.
Tuy nhiên, do những ảnh hưởng khách quan từ thị trường xuất khẩu khiến việc tổ chức thu mua bị gián đoạn.
Sau thời gian thảo luận, các bên đã thống nhất: Doanh nghiệp hỗ trợ chi phí cho người dân 225 triệu đồng/ha. Hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng trước đó để nông dân được bán đu đủ cho các bên khác có nhu cầu.