Nhu cầu tín dụng cải thiện, áp lực giảm phát dịu lại và đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá là những dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế và thị trường tài chính Trung Quốc có thể đang dần ổn định.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 11-9 cho biết tổng vốn mà hệ thống tài chính trong nước cung cấp cho nền kinh tế chính trong tháng 8 là 3,12 nghìn tỉ NDT (429 tỉ đô la) cao hơn mức 2,7 nghìn tỉ NDT mà các nhà kinh tế dự đoán trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Con số đó cải thiện đáng kể so với tổng tín dụng 2,5 nghìn tỉ NDT trong cùng kỳ năm ngoái. Các tổ chức tài chính đã cung cấp các khoản vay mới trị giá 1,36 nghìn tỉ NDT trong tháng trước, nhiều hơn mức dự báo 1,25 nghìn tỉ NDT.
Dữ liệu tín dụng khả quan cho thấy các biện pháp gần đây nhằm củng cố thị trường bất động sản có thể bắt đầu thúc đẩy nhu cầu vay thế chấp của hộ gia đình. Các khoản vay của doanh nghiệp cũng tăng lên. Cùng ngày, NDT ở thị trường trong nước tăng giá sau khi giảm xuống mức yếu nhất so với đồng đô la vào tuần trước kể từ năm 2007. NDT tăng giá trở lại khi PBoC ra tuyên bố cho biết sẽ tăng cường nỗ lực bảo vệ giá trị tiền tệ.
Những diễn biến đó bổ sung thêm những dấu hiệu đáng khích lệ từ công bố cuối tuần qua với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 7, dù chỉ tăng nhẹ 0,1%. Trong khi đó, đà giảm của chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), đo lượng giá cả bán từ cổng nhà máy, đã chậm lại trong tháng trước.
“Các biện pháp chính sách đã giúp nền kinh tế Trung Quốc ổn định. Nhưng câu hỏi quan trọng là động lực kinh tế có thể được duy trì ở mức độ nào”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management Ltd, bình luận.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng lấy lại động lực khi khủng hoảng bất động sản và niềm tin yếu kém cản trở quá trình phục hồi kinh tế, gây rủi ro cho mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% của chính phủ.
Trung Quốc ghi nhận các số liệu ảm đạm trong tháng 7, gồm CPI rơi vào tình trạng giảm phát và tăng trưởng tín dụng giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm, đánh dấu một thời điểm tồi tệ đối với nền kinh tế.
Chỉ số chứng khoán CSI 300 tăng 0,74% trong phiên giao dịch đầu tuần, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tục.
Những động thái hỗ trợ của Bắc Kinh, bao gồm giảm lãi suất cơ bản, lãi suất vay thế chấp và số tiền đặt cọc trước khi mua nhà, có thể sẽ giúp kinh tế đất nước phục hồi phần nào. Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs ước tính, các biện pháp chính sách được Trung Quốc công bố cho đến nay có tác động tương đương khoảng 60 điểm cơ bản, 0,6% GDP của Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có khả năng chuyển hướng dứt khoát và nâng cao niềm tin chung cho nền kinh tế hay không.
Trong báo cáo phát hành hôm 10-9, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, các chính sách gần đây “có thể tạo ra sự phục hồi ngắn hạn trong giao dịch bất động sản, nhưng không đủ để ổn định thị trường này”. Họ dự báo Bắc Kinh sẽ nới lỏng hơn nữa, bao gồm cắt giảm thêm lãi suất hoặc đưa ra các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, nếu doanh số bán nhà tiếp tục suy yếu và tăng trưởng kinh tế chậm hơn nữa.
Eric Zhu, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, đánh giá tín dụng mạnh hơn dự kiến trong tháng 8 cho thấy gói kích thích tài chính và tiền tệ của Trung Quốc có thể bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong khoản vay dài hạn của doanh nghiệp và hộ gia đình trong tháng trước nói lên rằng nhu cầu của khu vực tư nhân vẫn chưa phục hồi.
Các khoản vay trung và dài hạn mới của hộ gia đình, dữ liệu thường đại diện cho các vay khoản thế chấp, tăng lên sau khi thu hẹp vào tháng 7. Tuy nhiên, chúng vẫn thấp hơn nhiều so với mức được ghi nhận vào tháng 8 -2022, cũng như trước đại dịch Covid-19.
Theo Ming Ming, nhà kinh tế trưởng của Citic Securities Co, việc cải thiện tổng tín dụng phụ thuộc phần lớn vào việc phát hành trái phiếu đặc biệt của các chính quyền địa phương.
Khu vực chính quyền địa phương đã đẩy mạnh phát hành nợ trong tháng 8 để tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có khả năng gây áp lực lên thị trường tài chính.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng dịch vụ của Trung Quốc đang suy yếu sau khi trở thành động lực chính cho đà phục hồi kinh tế vào đầu năm nay. Vi vậy, Bắc Kinh đang đứng trước áp lực có thể đưa ra thêm chính sách hỗ trợ để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.
Áp lực giảm phát cũng chưa hoàn toàn biến mất. Tăng trưởng CPI trong tháng 8 vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của chính phủ là khoảng 3% trong năm nay.
Theo Alex Loo, nhà chiến lược vĩ mô của TD Securities, PBoC cần hành động nhiều hơn nữa để củng cố niềm tin vào đồng NDT.
“Nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng chú ý hơn từ các cơ quan quản lý, quỹ đạo của đồng nhân dân tệ khó có thể thay đổi và đà tăng giá chỉ thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”, ông nói.
Bắc Kinh đã thực hiện một loạt biện pháp kể từ cuối tháng 7 để khôi phục niềm tin trên thị trường. Tuy nhiên, những nỗ lực này cho đến nay vẫn không thể tạo ra sự phục hồi bền vững trên thị trường chứng khoán. Một đợt bán tháo mạnh mẽ hồi tháng 8 đã khiến các chỉ số chứng khoán quan trọng của Trung Quốc lọt vào danh sách những chỉ số có hiệu suất tồi tệ nhất thế giới.
Chỉ số CSI 300 vẫn giảm khoảng 10% so với mức cao nhất trong tháng 1 năm nay. Trong khi đó, các quỹ toàn cầu đang nắm giữ ít vị thế chứng khoán Trung Quốc nhất kể từ tháng 10, theo phân tích định lượng của Morgan Stanley vào tuần trước.
Thị trường tín dụng Trung Quốc vẫn đang chật vật ứng phó với số vụ vỡ nợ kỷ lục khi hậu quả từ khủng hoảng nợ bất động sản lan rộng. Giá trung bình của trái phiếu doanh nghiệp hạng rác (dưới mức đầu tư) định danh đồng đô la, hầu hết được phát hành bởi các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, đã giảm xuống còn khoảng 67 cent (0,67 đô la) từ mức khoảng 98 cent (0,98 đô la) vào hai năm trước, theo một chỉ số theo dõi của Bloomberg.