Theo Bộ Giao thông vận tải, Cảng quốc tế Long An không bị hạn chế thị trường tiếp cận của hàng hóa, có thể tiếp cận hàng quá cảnh. Tuy nhiên, cần tuân thủ quy định tại Hiệp định vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 10092/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị cử tri đề nghị Bộ xem xét cập nhật Cảng quốc tế Long An vào danh sách các cảng làm hàng quá cảnh.
KHÔNG HẠN CHẾ THỊ TRƯỜNG TIẾP CẬN HÀNG HOÁ
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An, Bộ Giao thông vận tải cho biết các cầu cảng thuộc bến cảng quốc tế Long An được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở tại các Quyết định: số 1453/QĐ-CHHVN ngày 30/9/2016, số 1364/QĐ-CHHVN ngày 15/09/2020.
Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hàng hải Việt Nam, cảng biển có chức năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ tàu thuyền đến, rời cảng; cung cấp phương tiện, thiết bị và nhân lực cần thiết cho tàu thuyền neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách; cung cấp dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, lưu kho bãi và bảo quản hàng hóa trong cảng; đầu mối kết nối hệ thống giao thông ngoài cảng biển.
Theo nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, khu bến Cần Giuộc Cảng biển Long An có phạm vi từ hạ lưu kênh Lộ đến ngã ba sông Cần Giuộc và sông Cần Giuộc có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An và vùng phụ cận, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải.
Như vậy, "theo quy hoạch được phê duyệt và các quy định của pháp luật về hàng hải, bến cảng quốc tế Long An - thuộc khu bến Cần Giuộc được phép tiếp nhận các tàu biển trong nước và nước ngoài để thực hiện các dịch vụ hàng hóa phù hợp với quy hoạch cảng biển được phê duyệt và công bố cụ thể đối với bến cảng, không hạn chế về thị trường tiếp cận của hàng hóa, không hạn chế hàng quá cảnh, hàng nội địa hay hàng xuất nhập khẩu", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải lưu ý, với trường hợp bến cảng quốc tế Long An - thuộc khu bến Cần Giuộc tiếp nhận tàu biển, phương tiện thủy nội địa của Việt Nam, phương tiện thủy của Campuchia thực hiện các dịch vụ hàng hóa quá cảnh, xuất nhập khẩu... qua Campuchia và ngược lại, do đó, sẽ cần phải tuân thủ những quy định khác.
Theo đó, cần phải tuân thủ quy định tại Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy và Thông tư số 13/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy.
KẾ HOẠCH MỞ RỘNG 10 CẦU CẢNG
Cảng quốc tế Long An có diện tích 147ha, thuộc xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, Long An. Dự án này nằm trong dự án tổng thể gần 2.000ha gồm cụm cảng quốc tế Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Trung tâm dịch vụ logistics, khu đô thị cảng quốc tế Long An.
Tháng 6 vừa qua, sau 8 năm thi công ròng rã đã chính thức hợp long 7 cầu Cảng - Cảng quốc tế Long An; khai trương dịch vụ khai thác hàng container. Tổng chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670m.
Hiện cảng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT. Hàng hóa thông qua cảng đạt lần lượt của năm 2021, 2022 là 2 triệu và 2,2 triệu tấn, chuyên khai thác hàng container và các mặt hàng truyền thống như hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép, thiết bị máy móc, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Cảng Quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT.
Sở hữu vị trí lý tưởng, qảng Quốc Tế Long An là cầu nối thuận tiện cho việc giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh, 12 tỉnh thành Tây Nam Bộ, Campuchia và biển Đông. Cảng Quốc tế Long An cung cấp dịch vụ với chi phí tối ưu giúp giảm giá thành sản phẩm, từ đó, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đơn vị vận chuyển và các hãng tàu. Giao thương với Cảng quốc tế Long An cũng vô cùng thuận tiện khi cảng cách TP. Hồ Chí Minh chỉ 38 km theo tuyến đường Quốc lộ 50 và cách Phao số 0 chỉ 21 hải lý.
Bên cạnh đó, 22 khu công nghiệp trong địa bàn tỉnh Long An và hàng trăm khu công nghiệp tại 12 tỉnh thành Tây Nam Bộ khiến cảng trở thành lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí vận chuyển trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Là giải pháp thay thế cho hệ thống Cảng thường xuyên gặp ùn tắc của TP. Hồ Chí Minh, Cảng quốc tế Long An chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm giảm tắc nghẽn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.