Mặc dù mảng kem mang lại doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp, song lại không phải là mảng mang về lợi nhuận lớn nhất.
Nếu ai đó lần đầu tiên đến thăm Hà Nội, nhất định sẽ phải đi dạo một vòng Hồ Hoàn Kiếm, ăn một que kem Tràng Tiền hoặc vào nhà hàng Thủy Tạ ven hồ và thưởng thức kem ly. Thương hiệu kem Thủy Tạ không quá đình đám như kem Tràng Tiền nhưng nó là lịch sử lâu đời gắn liền với Hà Nội.
Niềm tự hào một thời của người Hà Nội
Thủy Tạ tiền thân là nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5/1958, là nhà hàng duy nhất nằm bên bờ Hồ Gươm, trung tâm Thủ đô. Khi mới thành lập, do điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân còn thấp, Thủy Tạ tập trung vào mảng kem giá rẻ với sản phẩm chính là kem đá và các hương vị truyến thống.
Đến năm 1999, Thủy Tạ đưa vào hoạt động 1 nhà máy kem công nghiệp với công suất 1 triệu lít/năm dựa trên công nghệ của Ý. Đây là tiền đề đưa Thủy Tạ trở thành một trong những doanh nghiệp giữ thị phần chi phối tại Hà Nội và khu vực phía bắc thời điểm đó. Thời gian đầu sản phẩm kem có 14 loại và đến nay, con số này đã nâng lên đến 50.
Tuy nhiên đây lại không phải là mảng kinh doanh duy nhất của doanh nghiệp này. Thủy Tạ hiện sở hữu 3 nhà hàng, đều đặt trên tại những vị trí đẹp nhất xung quanh Hồ Gươm, Hà Nội. Cụ thể là, nhà hàng Đình Làng, cung cấp món ăn dân tộc 3 miền, nhà hàng Mamarosa chuyên ẩm thực Âu - Ý và nhà hàng Long Vân phục vụ đồ ăn nhanh, cà phê giải khát, các bữa ăn trưa ăn tối cho du khách.
Mặc dù đã gây dựng được thương hiệu và giữ thị phần lớn ở phía Bắc trong thời gian dài nhưng sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như kem Wall's của Unilever và đặc biệt là 2 đối thủ lớn nhất hiện tại là Kido Foods và Vinamilk lại làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống như Tràng Tiền và Thủy Tạ. Theo một báo cáo của Euromonitor, thị phần kem của Thủy Tạ chỉ đạt khoảng 1,5% cả nước. Vì hệ thống phân phối đa phần ở các cửa hàng nằm trên phố Lê Thái Tổ trực thuộc Công ty, trong khi các điểm bán không phủ rộng nhiều như kem Tràng Tiền.
Thương hiệu từng thống lĩnh thị trường kem Hà Nội nay thị phần ngày càng giảm, hoạt động kinh doanh chủ yếu, chỉ quanh mức 50 tỷ đồng mỗi năm, trong khi các đối thủ khác đã cán đích nghìn tỷ.
Doanh thu từ kem lớn nhất, nhưng lợi nhuận chỉ xếp thứ 2
Những con số công bố của Thủy Tạ cho thấy hoạt động kinh doanh của đơn vị lâu năm này rất êm ả với doanh thu và lợi nhuận không có biến động lớn trong vòng 4 năm qua.
Kết quả kinh doanh của Thủy Tạ
Mảng kem đem về cho Thủy Tạ doanh thu từ 40 - 50 tỷ đồng mỗi năm, cũng là mảng có doanh thu lớn nhất. Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với doanh thu từ 30 – 40 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, kinh doanh nhà hàng lại có lợi nhuận gộp từ 20 – 25 tỷ đồng tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp biên tới hơn 60%.
Lợi nhuận sau thuế từ của doanh nghiệp có xu hướng đi xuống và yếu thế hơn. Từ con số 9 tỷ đồng vào năm 2013, đã giảm xuống còn 400 triệu đồng trong năm 2020 và đến năm 2021 còn ghi nhận lỗ tới 3,4 tỷ đồng.
Rời sàn giao dịch sau chưa đầy 4 năm niêm yết, bất ngờ báo lãi khủng
TTJ của CTCP Thuỷ Tạ rời sàn UPCoM vào ngày 19/1/2021 do không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng sau hơn 3 năm giao dịch. Cổ phiếu TTJ hông nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư khi thanh khoản rất thấp, hầu như không có giao dịch trong một khoảng thời gian dài.
Đáng chú ý, sau khi hủy niêm yết trên sàn giao dịch, Thủy Tạ đã bất ngờ báo lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay với doanh thu thuần năm 2022 đạt 69 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch và gấp đôi năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, hơn gấp đôi kế hoạch đề ra và khả quan hơn mức lỗ 3,4 tỷ của năm 2021.
Trong đó, Nhà hàng Thuỷ Tạ đóng góp 50,3 tỷ đồng doanh thu (chiếm gần 73%), trong đó doanh thu Kem là 20 tỷ, còn doanh thu ăn uống hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Nhà hàng Thuỷ Tạ đạt 41,6 tỷ đồng, trong đó mảng kem đóng góp 15 tỷ và ăn uống chiếm 26 tỷ đồng, nhờ tháng 4/2022 công ty điều chỉnh tăng giá bán lẻ các sản phẩm kem trung bình từ 10-25% và giá các món ăn trung bình là 15%.
Còn hoạt động kinh doanh kem và nước đóng góp doanh thu lần lượt là 9,3 tỷ và 3,5 tỷ đồng trong năm 2022, đều không đạt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận gộp mảng kem 5 tỷ đồng và nước đóng chai chỉ 1,5 tỷ đồng.
Theo Thuỷ Tạ, sản phẩm Kem Thuỷ Tạ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ tiềm lực lớn với nhiều dòng sản phẩm hút người tiêu dùng như TH True Milk, Vinamilk, Tràng Tiền... Ngoài ra, thị trường tỉnh xuất hiện nhiều dòng sản phẩm kem bình dân, giá rẻ ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng.
Đối với sản phẩm Nước Pha Lê, chủ yếu bán cho khách hàng nội bộ, chưa xây dựng kiện toàn hệ thống phân phối phù hợp. Trong khi đó, chi phí bán hàng, giao hàng vẫn khá lớn nên việc kinh doanh chưa được coi là hiệu quả. Dây chuyển và hệ thống sản xuất đã đầu tư trong một thời gian dài, tần suất phát sinh hỏng hóc nhiều dẫn đến chi phí nhân công, sửa chữa, thay thế lớn buộc công ty phải đẩy giá thành sản phẩm nước Pha Lê lên cao.
Hiện, Thủy Tạ có 4 cổ đông lớn gồm Hapro (30%), Công ty Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đức Khang (23,18%), Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (11,18%) và cổ đông cá nhân Lã Xuân Hòa (10%).
Trong khi đó, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương là một doanh nghiệp của gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cả cố doanh nhân Tư Hường và là chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý). Đây cũng là doanh nghiệp nắm giữ cổ phần lớn tại Ngân hàng Nam Á (NamABank).
Mới đây, Thủy Tạ đã tách doanh nghiệp của mình thành 2 doanh nghiệp nhỏ là CTCP Thuỷ Tạ và CTCP Thực phẩm Thuỷ Tạ, đều có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, trong đó Nhà máy chế biến thực phẩm và nước giải khát, nhà máy kem, phòng kinh doanh sẽ chuyển về Thực phẩm Thuỷ Tạ đề tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh kem và nước.
CTCP Thuỷ Tạ sẽ phụ trách Nhà hàng Thuỷ Tạ, năm 2023 sẽ tăng cường quảng bá nâng độ phủ cho tầng 2 của nhà hàng và 2 khu vườn Đài phun nước và Gốc si. Đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh bánh Trung thu Thuỷ Tạ...
Yên Hoàng