Số liệu Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ ra rằng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng qua tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %). Theo chuyên gia kinh tế, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, TS Nguyễn Minh Phong, việc thu hút vốn FDI của Việt Nam có kết quả ấn tượng là nhờ hội tụ từ nhiều nguyên nhân.
Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm, theo ông, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất thúc đẩy sự gia tăng này?
Như chúng ta đã biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/8/2023 đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, động thái thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm 2023 đã có sự đảo chiều tích cực, chấm dứt giai đoạn suy giảm liên tục 4 năm từ 2019-2022, và chính thức chuyển sang tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả ấn tượng này được hội tụ từ nhiều nguyên nhân, mà trước hết và quan trọng nhất là do Việt Nam liên tục được cộng đồng thế giới ghi nhận về sự ổn định chính trị, tăng trưởng tích cực về kinh tế; nỗ lực thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, hoà bình, làm bạn với tất cả các nước, giữ cân bằng giữa các nước lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hài hoà lợi ích, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế và đáp ứng các thông lệ tốt trên thế giới về khuyến khích và bảo hộ lợi ích các nhà đầu tư.
Hơn nữa, Việt Nam luôn nằm ở vị trí địa chính trị và địa kinh tế thuận lợi, với một thị trường tiêu thụ đang nổi và dân số hàng trăm triệu dân, trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh quốc tế đang biến động ngày càng nhanh chóng, phức tạp, khó lường...
Chính sách ngoại giao của Việt Nam có tác động tích cực như thế nào đến việc thu hút vốn FDI thưa ông?
Theo tôi, trong nửa đầu năm, Đảng và Chính phủ đã luôn nỗ lực thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, hoà bình, làm bạn với tất cả các nước, giữ cân bằng giữa các nước lớn, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình hữu nghị trong khu vực để thu hút vốn FDI.
Chẳng hạn như mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập cuối năm 2022, hay gần đây nhất là sự kiện nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Không chỉ vậy, Lãnh đạo Đảng, Chính phủ triển khai nhiều chuyến thăm đến các nước lớn và đón nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam. Nổi bật là chuyến thăm của Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2022.
Hay gần đây nhất là chuyến thăm của cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào hai ngày 10-11/9; chuyến tham dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh năm 2023 là dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và tròn 20 năm hình thành CAEXPO và CABIS.
Trong các chuyến thăm, lãnh đạo Đảng, Chính phủ luôn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế thông điệp về quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong giữ vững ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; xây dựng môi trường, chính sách ổn định, minh bạch và tạo thuận lợi cho các lĩnh vực hợp tác mới. Ví dụ, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam hồi tháng 6/2023, hai bên đã trao đổi 17 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục…
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các diễn đàn, hiệp hội kinh tế thế giới, khu vực. Trong các cuộc làm việc, Chính Phủ đã kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam, chứng kiến lễ ký kết nhiều hợp đồng lớn. Theo đó, môi trường và vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được củng cố, với hơn 17 Hiệp định Thương mại tự do quốc tế đã được ký kết và đang được đàm phán, bao gồm cả với Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.
Chẳng hạn, Anh đã chính thức gia nhập CPTPP vào ngày 16/7/2023 và cam kết nới lỏng hạn ngạch thuế quan với một số mặt hàng của Việt Nam, như gạo, cá ngừ, mật ong, chả cá… giúp các sản phẩm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nước cùng thế mạnh.
Hay như Việt Nam và Israel đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa 2 nước vào giữa năm 2023, nhân kỷ niệm 30 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA) đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (CEPA).
Ngoài ra, Chính phủ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam cũng cần tiếp tục đưa ra giải pháp hành động để giải quyết thấu đáo các rào cản cố hữu mà nhà đầu tư phải cân nhắc mỗi khi rót vốn, cụ thể về: thời hạn visa doanh nghiệp ngắn, thủ tục cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, quy định kiểm tra – giám sát hải quan, các loại chi phí “không chính thức”, giá thuê đất khu công nghiệp…
Vậy theo ông, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao?
Có nhiều căn cứ để tin tưởng rằng chúng ta sẽ duy trì được xu hướng tăng trưởng tích cực thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ từ ngày 10-11/9/2023, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam nhận được nhiều xung lực mới mạnh mạnh mẽ, tích cực. Trong đó nổi bật là xu hướng ngày càng tăng các dự án lớn, các dự án từ các nhà đầu tư nắm công nghệ nguồn và có tiềm lực tài chính vững mạnh, mong muốn đầu tư lâu dài và giảm bớt các dự án nhỏ, tiêu tốn nhiều lao động và tạo áp lực suy giảm môi trường...
Việt Nam có nhu cầu cao và cũng có nhiều triển vọng và lợi thế trong cuộc đua hút đa dạng và đa kênh trên toàn cầu dòng vốn FDI do những yếu tố nền tảng, như: Có sự ổn định chính trị, trí địa lý và cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có mức tăng trưởng cao; có quy mô dân số tăng nhanh và đội ngũ nhân lực đang được cải thiện về chất lượng.
Ngành sản xuất ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đang bùng nổ, đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài.
Theo ông, liệu có những rủi ro hoặc thách thức gì có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới?
Rủi ro và thách thức lớn nhất có lẽ là viễn cảnh FDI toàn cầu ngày càng “phân mảnh” sâu sắc theo các khối liên minh. Nói cách khác, dấu ấn địa lý của FDI tỷ lệ thuận với xu hướng liên kết địa chính trị hiện nay, thể hiện qua tỷ trọng FDI giữa các nền kinh tế có liên kết địa chính trị đã không ngừng tăng lên, vượt trội so với tỷ trọng FDI giữa các nước gần gũi thuần túy về mặt địa lý.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực đang làm xuất hiện xu hướng dịch chuyển một phần nào đó dòng chảy FDI (trước hết là trong lĩnh vực dệt may và da giầy) từ Việt Nam sang các nước khác, vì nhiều lý do, trong đó có tình trạng mất sức cạnh tranh về lương công nhân (hiện mức lương bình quân của công nhân may mặc ở Bangladesh chỉ là 120 USD/tháng, thấp hơn hẳn ở Việt Nam) và sự thua kém về đáp ứng yêu cầu xuất xanh và phát thải ròng các bon bằng 0 trong chuỗi cung ứng...
Đặc biệt, một trong những vấn đề nóng nổi bật trong thu hút FDI trên thế giới, cũng như ở Việt Nam là vấn đề ưu đãi thuế trong bối cảnh thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% theo trụ cột 2 của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2024. Cụ thể, theo Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ suy giảm tác dụng...
Vậy Việt Nam cần có những giải pháp nào để có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh trong khu vực về thu hút FDI trong bối cảnh một số các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia hay Malaysia gần đây cũng đang ghi nhận đầu tư FDI có xu hướng tăng trưởng nhanh?
Về mặt dài hạn, tôi thấy, thời điểm này là cơ hội rất tốt để Việt Nam tái cấu trúc chiến lược thu hút FDI, từ mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, tạo cơ sở hướng tới những dự án tỉ đô trong tương lai. Song trước mắt, để duy trì lợi thế ưu đãi, Việt Nam cần nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI...
Theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài mà Chính phủ đã ban hành, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, trực tiếp hỗ trợ quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Việt Nam cũng cần xác định lại các lợi thế cạnh tranh của nước ta trong giai đoạn mới, không chỉ dựa vào giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào, mà còn là các yếu tố mới, như tay nghề công nhân, cơ sở hạ tầng, thân thiện với môi trường, mức độ làm quen với các dự án công nghệ và yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất sứ...; có định hướng chọn lọc các dự án FDI kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu, cũng phần nào tác động đến dòng vốn FDI.
Bên cạnh yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị thế và năng lực cạnh tranh môi trường kinh doanh quốc tế, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI. Trước hết là thời hạn visa doanh nghiệp, thủ tục và chi phí tuân thủ về cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, kiểm tra – giám sát hải quan, giá thuê đất khu công nghiệp và loại bỏ cac chi phí không chính thức..., nhằm hướng mạnh FDI vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Đồng thời, chúng ta cần hiện đại hoá hạ tầng kinh tế-xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp môi trường kinh doanh số; tạo được môi trường kinh doanh phù hợp với yêu cầu và tạo thuận lợi cho cho các tập đoàn lớn có thể đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn nhằm sàng lọc hiệu quả nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và năng lực sản xuất tốt.
Quỳnh Anh