Trong nền kinh tế thị trường, cung - cầu hàng hóa chuyển động tự nhiên, không biên giới, không vùng miền. Nhưng trong thời gian dịch COVID-19, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc vận động “mua cho nhau, bán cho nhau” của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên là hoạt động thiết thực, sáng tạo và nhân văn.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được thành lập theo Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 18/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, Hiệp hội luôn nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.
Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đại diện cho các hội viên, tập hợp ý kiến để phản ánh, đề nghị với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành về những vấn đề liên quan đến chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách, hoạt động sản xuất - kinh doanh; là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; tạo môi trường liên kết, giúp đỡ, vận động hội viên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh... Khi cần, Hiệp hội có thể đưa ra những định hướng phong trào thiết thực và phong trào "mua cho nhau, bán cho nhau” là một ví dụ.
Nhớ lại 3 năm trước, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống xã hội bị ngưng trệ do dịch bệnh, nhưng cũng có những doanh nghiệp không thể dừng hoạt động, như cung ứng than cho Công ty CP Nhiệt điện An Khánh…
Từ đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát động phong trào “mua cho nhau, bán cho nhau” từ vật tư đến hàng hóa tiêu dùng. Qua phong trào này, vai trò tập hợp, cầu nối, điểm tựa của cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy và có những đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể nêu ra vài ví dụ như Công ty CP Đầu tư và Thương mại
TNG đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn, trong đó có Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, thi công những công trình do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, giúp tạo việc làm cho nhiều lao động. Ngoài ra,
TNG cũng hỗ trợ bằng cách mua nguyên, vật liệu, như: sắt, thép, xi măng, gạch xây dựng các loại của các doanh nghiệp trong Hiệp hội.
Hay như Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo dành nguồn sỉ thải hàng triệu tấn cho các doanh nghiệp xây lắp san lấp mặt bằng.
Trong ngành Chè, thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ do Sở Công Thương tổ chức, việc chủ động thiết lập chuỗi cung ứng rộng lớn, khép kín từ khâu trồng trọt, thu hái và chế biến chè tạo lên sự phát triển nhanh chóng.
Cũng từ phong trào “mua cho nhau, bán cho nhau” đã hình thành ngành sản xuất bao bì, quảng cáo hiện đại và rầm rộ…
Chia sẻ khó khăn, chia vui, thuận lợi đã trở thành ý thức của doanh nghiệp, doanh nhân. Các doanh nghiệp như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; Công ty CP Thương mại Thái Hưng; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long; Công ty Xăng dầu Bắc Thái; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Minh Dũng; Công ty TNHH Hoàng Mấm; Viettel Thái Nguyên; Công ty TNHH Dũng Tân; Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico; Công ty Bảo Việt Thái Nguyên; Công ty CP Xuất nhập khẩu TMDL Sơn Luyến; Công ty Ô tô Trường Hải - CN Thái Nguyên; Công ty CP Môi trường và Đô thị Thái Nguyên; Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên... là những cái tên thân thuộc trong cộng đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp, như: BIDV Chi nhánh Thái Nguyên, Vietinbank Chi nhánh Thái Nguyên, Agribank Chi nhánh Thái Nguyên, Techcombank, Vietcombank, MBBank...