Năm 2022, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới nhờ nguồn khí đốt tự nhiên dồi dào và chi phí xử lý mỗi tấn LNG tương đối thấp. Tuy nhiên, lãi suất và chi phí xây dựng tăng cao đã dẫn đến phí hóa lỏng cao hơn.
Lyle Hanna, Phó Chủ tịch Commonwealth LNG, một trong những dự án xuất khẩu LNG của Mỹ đang chờ phê duyệt tài chính, cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi kỳ vọng rằng chi phí phát triển dự án tăng lên do lãi suất tăng hoặc các yếu tố khác sẽ có tác động tương ứng đến phí hóa lỏng”.
Jason Bennett, đối tác tại công ty luật Baker Botts, hiện đang đàm phán hợp đồng LNG cho biết, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm ngoái, giá khí tại sàn giao dịch Hà Lan (TTF) đã cao hơn nhiều và khó có thể quay trở lại mức giá trước chiến tranh.
Theo Jason Bennett, nếu khách hàng sẵn sàng trả phí hóa lỏng cao hơn thì đó là do các dự án mới vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt.
“Nếu giá là 2,25 USD (trên một triệu đơn vị nhiệt Anh) và bây giờ là 2,75 USD, vẫn được thôi, dù sao thì đó vẫn là mức giá thấp nhất cho LNG”, ông Bennett nói.
Jason Feer, phụ trách kinh doanh tại công ty môi giới và vận chuyển LNG Poten & Partners cho biết, dự án được phê duyệt gần đây nhất - Rio Grande LNG của NextDecade - đã tăng phí hóa lỏng khi chi phí dự án tăng.
Ông Feer nói với Reuters: “NextDecade đã yêu cầu những người tham gia điều chỉnh mức hợp đồng của họ và chúng tôi tin rằng hầu hết họ đã đồng ý”.
NextDecade không trả lời các câu hỏi về phí xử lý. Tuy nhiên, trong một tài liệu nộp vào ngày 20/7 cho Bộ Quản lý carbon và Năng lượng hóa thạch, NextDecade đã tiết lộ những thay đổi trong hợp đồng với tất cả các khách hàng dài hạn của mình, ngoại trừ công ty TotalEnergies của Pháp và công ty thương mại Itochu của Nhật Bản.
Ông Feer nói: “Các bên bao tiêu đã đồng ý vì dự án đã rất tiến triển và sẵn sàng đi đến Quyết định Đầu tư Tài chính (FID) và tôi nghĩ rằng một số hợp đồng này có giá rất rẻ so với tiêu chuẩn ngày nay”.
Nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, Cheniere Energy, đã giảm chi phí tài trợ dự án bằng cách tài trợ cho dự án mở rộng giai đoạn 3 mới nhất từ bảng cân đối kế toán của mình.
Công ty cho biết: “Việc tăng vốn chủ sở hữu trong các dự án giúp giảm mức nợ cần thiết để tài trợ cho việc mở rộng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh”.