Vừa mới tạo sóng truyền thông khi công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, NutiFood tiếp tục gây sự chú ý khi mới đây công ty con là NutiFood Bình Dương đã thế chấp nhiều tài sản gồm nhà xưởng, nhà kho, văn phòng tại ngân hàng VietinBank chi nhánh 11 TP.HCM.
Mới đây, Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã công bố thông tin, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Bình Dương (gọi tắt là: NutiFood Bình Dương) thế chấp nhiều tài sản gắn liền với đất gồm nhà xưởng, nhà kho, nhà văn phòng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Ngân hàng VietinBank) – Chi nhánh 11 TP.HCM theo hồ sơ số 231222-1207.
Cụ thể, tài sản thế chấp của NutiFood Bình Dương gồm: nhà xưởng có diện tích 4.556,3 m2, nhà xưởng diện tích 4.380 m2, nhà xưởng diện tích 1.934,5 m2; nhà kho có diện tích 1.935 m2; nhà văn phòng 664,6 m2 thuộc thửa đất 1689, tờ bản đồ số 62 tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
NutiFood Bình Dương hiện đang thế chấp nhiều tài sản gắn liền với đất gồm nhà xưởng, nhà kho, nhà văn phòng tại ngân hàng. Ảnh minh họa: internet
Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương cho biết, việc công bố thông tin trên căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Căn cứ văn bản số 370/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 01/02/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Việc một doanh nghiệp thế chấp tài sản để vay vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, trước khi NutiFood Bình Dương thế chấp nhiều tài sản tại ngân hàng thì vào khoảng cuối tháng 11/2023 công ty mẹ của NutiFood Bình Dương là Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (trụ sở chính tại TP.HCM) công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng (số tiền không hế nhỏ) để xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Thông tin trên nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến thì cho rằng, việc một doanh nghiệp tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính là điều hết sức bình thường vì thông qua khoản vay này sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện được các kế hoạch kinh doanh mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại tỏ ra nghi vấn về năng lực tài chính của doanh nghiệp, cụ thể đối với việc thế chấp nhiều tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng của NutiFood Bình Dương, nhiều nghi vấn đặt ra là: “Liệu rằng việc thế chấp này có liên quan đến việc tài trợ 1.000 tỷ đồng xây cầu đi bộ tại TP.HCM mà NutiFood vừa công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không…?”.
Liên quan đến những thông tin trên, phóng viên đã liên hệ với bộ phận truyền thông của NutiFood để tìm hiểu thông tin nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Bình Dương có địa chỉ văn phòng tại Lô E1b, E2, E3 và E4, Khu công nghiệp Mỹ Phước, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Khi mới thành lập, người đại diện theo pháp luật gồm bà Trần Thị Lệ, ông Trần Thanh Hải (chồng bà Lệ) và ông Lê Nguyên Hòa. Sau nhiều lần thay đổi, hiện người đại diện theo pháp luật là ông Lê Nguyên Hòa. Doanh nghiệp này có MST là 3700521162, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 4/8/2003, ngày thay đổi thông tin gần nhất là ngày 9/2/2023.
Theo số liệu của Tổng Cục thuế, hiện Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Bình Dương có 15 chi nhánh trải dài khắp cả nước.
Theo dữ liệu, tài sản mà Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Bình Dương thế chấp tại ngân hàng thuộc dự án Nhà máy sản xuất sữa và các thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Bình Dương có công suất 402.500 tấn sản phẩm/năm và được nâng cấp lên 580.000 tấn sản phẩm/năm, thuộc Lô E1b, E2, E3 và E4, Khu công nghiệp Mỹ Phước, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tổng diện tích hiện nay của dự án là 140.000 m2.
Công suất và các sản phẩm của dự án gồm: Sữa nước UHT 280.000 tấn sản phẩm/năm; Sản phẩm dinh dưỡng dạng bột và bột ăn dặm 35.000 tấn sản phẩm/năm; Bột ngũ cốc 8.000 tấn sản phẩm/năm; Sữa chua 19.500 tấn sản phẩm/năm; Sữa đậu nành 60.000 tấn sản phẩm/năm; Sữa chua uống các loại 30.000 tấn sản phẩm/năm; Nước trái cây, nước trà, nước yến 90.000 tấn sản phẩm/năm…
Dự án được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương thẩm định thiết kế xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp các loại giấy phép có liên quan đến môi trường của dự án đầu tư: Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; các giấy phép môi trường thành phần: Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường số 571/QĐ-BTNMT do Bộ tài nguyên và Môi trường cấp ngày 2/4/2021; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 32/GP-UBND ngày 27/8/2021 do UBND tỉnh Bình Dương cấp; Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất số 125/GP-UBND ngày 12/12/2018 do UBND tỉnh Bình Dương cấp.
Nữ doanh nhân Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood. Ảnh minh họa: internet
Liên quan đến Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (công ty mẹ của NutiFood Bình Dương) của doanh nhân Trần Thị Lệ. Tiền thân NutiFood là một trung tâm dinh dưỡng cho trẻ em được lập ra bởi nhóm bác sĩ, sau đó phát triển thành Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Đồng Tâm (Dotanu Corp) vào ngày 29/03/2000, do 4 cổ đông sáng lập gồm Hội dinh dưỡng TP.HCM, Công đoàn Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, ông Huỳnh Nam và bà Trần Thị Lệ. Trụ sở chính đặt tại số 281–283 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TP.HCM.
Bà Trần Thị Lệ sinh năm 1973 tại Bình Đinh, tốt nghiệp trường Đại học Y Tây Nguyên. Bà thuộc nhóm các bác sĩ nghiên cứu và lập nên một cơ sở lấy tên là Đồng Tâm (tiền thân của NutiFood) vào những năm 90, chính bà Lệ đảm nhận chức trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm. Năm 2000, bà Lệ trở thành giám đốc của cơ sở Đồng Tâm, quy mô doanh nghiệp lúc này còn khá nhỏ và bà cũng đổi tên gọi thành NutiFood. Đến năm 2003, bà trở thành cổ đông lớn nhất của NutiFood, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Quá trình làm Tổng giám đốc NutiFood của bà Lệ chia làm hai giai đoạn, đầu tiên từ năm 2000 - 2007; sau đó, công ty thuê giám đốc điều hành bên ngoài. Đến 25/09/2007, Nutifood ký kết hợp tác toàn diện với Công ty Cổ phần Kinh Đô. Theo đó, Kinh Đô nắm giữ 24.7% cổ phần của NutiFood và cùng xúc tiến các hoạt động kinh doanh đa ngành, kể cả bất động sản. Tuy nhiên, cái bắt tay này không mang lại hiệu quả. Năm 2008, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn và NutiFood cũng bị ảnh hưởng. Trong năm này, chi phí vận hành đã tăng từ 5 tỷ đồng lên 53.6 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng từ 108.2 tỷ đồng lên 137.2 tỷ đồng. Kết quả, lần đầu tiên sau 8 năm hoạt động, NutiFood lỗ tới 148 tỷ đồng.
Tháng 06/2008, theo yêu cầu của Hội đồng quản trị, bà Lệ quay lại điều hành công ty. Năm 2012, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood và giữ nguyên tên công ty cho đến nay.
Năm 2013, sau khi nắm cổ phần kiểm soát, ông Trần Thanh Hải (chồng bà Lệ) trở thành Chủ tịch HĐQT, còn bà Lệ giữ nguyên chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 11/07/2023, NutiFood tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố.
Về doanh nhân Trần Thị Lệ, vào năm 2019, bà là một trong 50 nhân vật được Forbes Việt Nam bình chọn là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Năm 2021, Forbes Việt Nam vinh danh 20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lần bình chọn này, bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood lọt Top 4 nữ doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh.
Doanh nhân Trần Thị Lệ còn nhận giải “Doanh nhân xuất sắc châu Á” trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2020 - 2022) do Enterprise Asia - Tổ chức phi chính phủ hàng đầu châu Á về kinh doanh khởi xướng và bình chọn thường niên tại 14 quốc gia và thị trường trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân có hoạt động kinh doanh nổi bật và có đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.