Trong khi ứng cử viên Kamala Harris cam kết duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, chiến thắng của Donald Trump có thể dẫn đến việc Mỹ rút lui khỏi cuộc xung đột, đẩy Ukraine vào tình thế khó khăn.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nhận định của tờ Foreign Affairs (Mỹ) mới đây, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sự hỗ trợ quân sự và kinh tế của Mỹ dành cho Ukraine mà còn tác động đến vị thế của NATO và an ninh châu Âu.
Các ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử này, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, đã đưa ra những quan điểm đối lập về chính sách đối ngoại, đặc biệt là về cuộc chiến tại Ukraine. Trong bối cảnh này, Ukraine đang đối mặt với sự không chắc chắn lớn, khi cả hai ứng cử viên có thể định hình quỹ đạo của cuộc chiến theo những hướng khác nhau.
Trong trường hợp ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, chính quyền của bà dự kiến sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ mà chính quyền Biden đã dành cho Ukraine từ khi cuộc xung đột bùng phát.
Theo Alexander Vindman, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, một chính quyền Harris sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và có thể tăng cường sự hỗ trợ này vào năm 2025 để tạo điều kiện cho một cuộc tấn công quy mô lớn của Kiev trong cuộc chiến với Nga. Điều này có nghĩa là Mỹ và NATO sẽ giữ vững cam kết với Ukraine, đặc biệt trong việc cung cấp các nguồn lực cần thiết để tăng cường khả năng quân sự cho Kiev.
Tuy nhiên, để đạt được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phương Tây, Ukraine cần chứng minh sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện tại. Kiev cần có được những "chiến thắng nhỏ nhưng ý nghĩa để tạo bằng chứng cho một chiến lược quân sự lớn hơn" vào năm 2025. Điều này không chỉ tạo niềm tin cho các đối tác phương Tây mà còn gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, buộc ông phải xem xét các giải pháp chấm dứt xung đột.
Ngược lại, chiến thắng của ửng cử viên tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump sẽ mang đến những thách thức lớn cho Ukraine. Ông Trump và người đồng hành là Thượng nghị sĩ JD Vance, đại diện cho một tư tưởng biệt lập, phản đối sự can thiệp của Mỹ vào các cuộc xung đột quốc tế. Trong trường hợp này, Mỹ có thể chấm dứt hoàn toàn sự hỗ trợ dành cho Ukraine, đồng thời tách mình khỏi các cam kết an ninh với châu Âu và NATO. Điều này sẽ đẩy Ukraine và các đồng minh châu Âu vào tình thế khó khăn, buộc họ phải tìm kiếm các hình thức hợp tác an ninh mới để bù đắp sự thiếu hụt từ Mỹ.
Dù viễn cảnh về một chính quyền Trump có thể ảnh hưởng đến nỗ lực quân sự của Ukraine, Kiev và Brussels vẫn có thể bắt đầu chuẩn bị cho tình huống này bằng cách tăng cường hợp tác ngay từ bây giờ. Những bước đi chiến lược như tăng cường đào tạo và cung cấp nguồn lực quân sự có thể giúp NATO điều chỉnh và giảm bớt tác động của việc Mỹ rút lui. Dù khó khăn, nhưng Ukraine vẫn có cơ hội duy trì sự ổn định và tiếp tục cuộc chiến nếu có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ các đối tác châu Âu.
Trong khi đó theo tờ New York Times, một yếu tố không kém phần quan trọng là sự không chắc chắn về cách tiếp cận của bà Harris đối với cuộc chiến Ukraine nếu bà đắc cử. Bà Harris vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng về Ukraine, mặc dù bà đã cam kết duy trì chính sách của chính quyền Biden. New York Times đặt câu hỏi rằng liệu chính quyền Harris có tiếp tục ủng hộ một kế hoạch chiến thắng của Ukraine mà thực tế không rõ ràng, hay liệu bà sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp đàm phán nếu tình hình chiến sự không có tiến triển.
Trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, từ căng thẳng ở Trung Đông đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về vai trò của mình trong việc bảo vệ Pax Americana (Hoà bình kiểu Mỹ). Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử, câu hỏi về sự kiên định của Mỹ với Ukraine và sự tương tác với NATO sẽ tiếp tục là trọng tâm chính trong cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Foreign Affairs/New York Times)
Link gốc