Tính từ đầu năm đến tháng 11 vừa qua, đã có 9.053 doanh nghiệp phải đóng cửa, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao nhất trong một năm kể từ năm 2015
Hơn 9.000 doanh nghiệp tại Nhật Bản nộp đơn xin phá sản. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Teikoku Databank, tình hình kinh doanh tại Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến tháng 11 vừa qua, đã có 9.053 doanh nghiệp phải đóng cửa, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao nhất trong một năm kể từ năm 2015
Chỉ tính riêng trong tháng 11, có tổng cộng 834 công ty phải nộp đơn xin phá sản. Con số này tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ liên quan đến các vụ phá sản doanh nghiệp trong tháng 11 lên tới 152,244 tỷ yen (khoảng 1 tỷ USD), tăng mạnh 72,7% so với mức 88,15 tỷ yen của cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tháng thứ 31 liên tiếp số vụ phá sản doanh nghiệp tăng so với năm trước, đồng thời là con số cao nhất đối với tháng 11 kể từ năm 2013 – thời điểm có 820 trường hợp được ghi nhận. Một trong những vụ phá sản lớn nhất là của Nippon Denkai Co., công ty sản xuất lá đồng điện phân được niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo với khoản nợ lên tới 14,761 tỷ yen.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là do tác động của lạm phát và thiếu hụt nhân lực. Chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí năng lượng và nguyên vật liệu, đã gây áp lực lớn lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11, có tới 877 doanh nghiệp phá sản do không thể cạnh tranh với chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, 311 doanh nghiệp khác buộc phải đóng cửa vì thiếu nhân công. Điều này cho thấy cả hai yếu tố trên đều đang tác động mạnh đến khả năng sinh tồn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Lan Phương-Link gốc