Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng số ra mới đây, một số dữ liệu của thị trường bất động sản Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ.
Toà nhà của Tập đoàn bất động sản Evergrander xây dựng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Với sự hỗ trợ toàn diện của chính phủ, doanh số bán nhà tại các thành phố hàng đầu như Thượng Hải và Bắc Kinh đã tăng vọt, minh chứng cho việc người tiêu dùng tiếp tục mở rộng chi tiêu vào các tài sản đắt tiền.
Theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, việc kết hợp giữa các biện pháp kích thích chính sách vào tháng 9/2024 và sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu thuế tài sản vào tháng 11/2024, đã giúp thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ doanh số bán nhà trên thị trường thứ cấp. Sự phục hồi "trong mùa không phải cao điểm mua bán nhà" được khắc họa rõ nét khi tất cả các căn hộ trong một dự án cao cấp ở Thượng Hải đã được bán hết chỉ trong tuần vừa qua (9-14/12).
Xu hướng này đang làm thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản, giúp xóa tan sự ảm đạm bao trùm thị trường nhà ở Trung Quốc trong gần bốn năm qua. Theo nhà phân tích tại Viện nghiên cứu bất động sản 58 Anjuke, Zhang Bo, thị trường bất động sản thứ cấp của Trung Quốc đã chạm đáy và hầu như giá nhà ở không có khả năng giảm mạnh hơn nữa.
Trong số các thành phố lớn, Thượng Hải ghi nhận 270.500 giao dịch bán nhà trên thị trường thứ cấp vào tháng 11/2024 (mức cao nhất trong 44 tháng). Trong khi đó, Thâm Quyến có 8.109 giao dịch, đạt mức cao nhất trong 4 năm và Bắc Kinh chứng kiến 18.763 ngôi nhà đang ở đã đổi chủ (tăng 50% so với một năm trước đó).
Vào tháng 9/2024, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ thực hiện các bước kích thích mạnh mẽ để giải cứu thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán quốc gia. Ngoài ra, nước này cũng đã cho phép các chính quyền địa phương tự do xây dựng các kế hoạch khuyến khích riêng. Một kế hoạch như vậy về giảm thuế chuyển nhượng bất động sản đã được công bố vào tháng 11/2024, có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, đang thể hiện tác dụng trong việc duy trì đà bán hàng trong lĩnh vực nhà ở.
Theo dữ liệu do Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc công bố, khoảng 364.000 hộ gia đình trên toàn quốc đã nộp đơn xin giảm thuế, với tổng giá trị 8,4 tỷ nhân dân tệ (1,2 tỷ USD) trong vòng 5 ngày kể từ khi chương trình ưu đãi về thuế chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực.
Khoảng 553.000 căn hộ trên khắp cả nước đã được rao bán trong khoảng thời gian 5 ngày này, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại 4 thành phố cấp một, danh sách nhà rao bán đã tăng lần lượt từ 27% đến 87% so với một năm trước đó.
Tại Thượng Hải, 74 căn hộ thuộc Bund45 - một dự án hạng sang do Poly Developments and Holdings Group phát triển tại khu vực kinh doanh cốt lõi ở quận Dương Phố đã được bán hết. Việc nhiều người mua tranh giành từng căn hộ được rao bán, là thước đo nhu cầu mạnh nhất tại thành phố này trong năm nay.
Theo ông You Liangzhou - chủ sở hữu của công ty môi giới bất động sản Baonuo có trụ sở tại Thượng Hải - động lực này có thể sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán 2025. Ông đánh giá, khi niềm tin của người tiêu dùng phục hồi, một làn sóng các dự án mới có khả năng sẽ tràn vào thị trường.
Mặc dù vậy, sự lạc quan chưa lan rộng. Danh sách nhà chung cư cũ rao bán đã tăng vọt trên toàn quốc, khi chủ sở hữu tìm cách kiếm tiền nhanh chóng nhờ thị trường phục hồi. Vào tháng 11/2024, danh sách nhà chung cư cũ rao bán tăng 7% so với tháng 10/2024 ở các thành phố cấp một và hơn 10% ở các thành phố cấp hai của Trung Quốc.
Ông Andy Lee - Tổng Giám đốc điều hành tại Centaline Property Agency Trung Quốc - cho biết: "Không có cách khắc phục dễ dàng nào cho thị trường bất động sản. Mặc dù các khu vực cốt lõi ở các thành phố lớn đã chứng minh khả năng phục hồi tốt, song những điểm yếu ở các thành phố khác không thể bị bỏ qua".
Cam kết giải cứu thị trường của Chính phủ Trung Quốc có thể đã đặt nền tảng cho sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản nước này. Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng cường hỗ trợ kinh tế, củng cố nhu cầu trong nước và ổn định thị trường. Đặc biệt, tại cuộc họp ngày 9/12, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề xuất thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” – cách diễn đạt từng được sử dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009./.
Thành Nam-Link gốc