Hầu hết các nhà phân tích hiện dự đoán ECB sẽ tiếp tục hạ lãi suất với tốc độ như trước, tức 0,25 điểm phần trăm.
Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự đoán sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tuần này trước triển vọng kinh tế ngày càng ảm đạm, khi bất ổn chính trị tại hai nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) càng làm trầm trọng thêm bức tranh u ám.
ECB đã tăng mạnh lãi suất từ giữa năm 2022 để kiềm chế chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Nhưng khi lạm phát hạ nhiệt và Khu vực đồng euro đang suy yếu, ECB hiện đang chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất. Các số liệu kinh tế yếu hơn dự đoán gần đây đã làm dấy lên suy đoán rằng ECB có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 12/12.
Trong bài phát biểu tuần trước tại phiên điều trần của Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng sẽ yếu hơn trong ngắn hạn, do tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực dịch vụ và sự sụt giảm liên tục trong lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn là một mối lo ngại khi đã tăng trở lại trên mức mục tiêu 2% của ECB trong tháng 11. Lạm phát của Eurozone đã đạt đỉnh 10,6% vào cuối năm 2022 do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn hậu đại dịch. Sau đó, lạm phát đã giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB vào tháng Chín nhưng đã tăng trở lại trong những tháng tiếp theo, đạt 2,3% vào tháng 11.
Trước tình hình này, hầu hết các nhà phân tích hiện dự đoán ECB sẽ tiếp tục hạ lãi suất với tốc độ như trước, tức 0,25 điểm phần trăm. Nếu dự đoán này đúng, đây sẽ là lần cắt giảm thứ tư của ECB kể từ tháng Sáu, đưa lãi suất xuống 3%.
Bên cạnh lạm phát, những trở ngại chính trị đang làm phức tạp thêm tình hình. Đức đang hướng tới cuộc bầu cử vào tháng 2/2025, sớm hơn bảy tháng so với dự kiến, sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào tháng trước. Ngay cả trước khi bất ổn gần đây nhất xảy ra, nền kinh tế lớn nhất Eurozone này đã phải vật lộn với sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, và tốc độ tăng trưởng yếu của nước này đang đè nặng lên toàn bộ khu vực đồng tiền chung.
Trong khi đó, tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, Thủ tướng Michel Barnier đã phải từ chức tuần trước sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Diễn biến này đã làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn chính trị và tài chính ngày càng gia tăng của nước này.
Ngoài ra, việc ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng cũng sẽ phủ bóng lên cuộc họp của ECB, trước những lo ngại về những lời đe dọa áp đặt thuế quan mới đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ của ông.
Mặc dù ECB gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần này, nhưng các nhà đầu tư sẽ phân tích kỹ lưỡng tuyên bố của ECB và theo dõi cuộc họp báo của bà Lagarde để tìm manh mối về tốc độ điều chỉnh lãi suất trong tương lai.