Báo cáo của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề - ngành logistics (LIRC) khu vực miền Bắc chỉ ra rằng việc thiếu các cơ sở đào tạo và cấp giấy chứng nhận trình độ sơ cấp về lái xe nâng sẽ khiến nguồn nhân lực trong lĩnh vực này trở nên khan hiếm khi số lượng cảng dự kiến tăng trong thời gian tới…
Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lao động theo tiêu chuẩn quốc tế trong ngành logistics.
Chia sẻ tại Hội thảo đánh giá kết thúc Đào tạo thí điểm module vận hành xe nâng tại Trường Cao đẳng Hàng Hải 1 mới đây, bà Vũ Thị Hải Vân, Chủ tịch LIRC cho biết hiện nay cả nước chỉ có 1 vài cơ sở đào tạo và cấp giấy chứng nhận trình độ sơ cấp về lái xe nâng. Trong khi đó, nhu cầu của các doanh nghiệp logistics và các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất lớn.
“Do đó, nếu các trường có thể đào tạo ngay nhân lực lái xe nâng thì sẽ tháo gỡ các khó khăn về tuyển dụng của các doanh nghiệp cảng nói riêng và các doanh nghiệp logistics nói chung”, bà Vân bày tỏ.
CẦN HƠN 1 TRIỆU LAO ĐỘNG NGÀNH LOGISTICS
Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố vào đầu năm 2022 cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Chính bởi vậy, để tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành này thì đòi hỏi cần có một nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để đáp ứng được sự phát triển của ngành, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị đào tạo đã nỗ lực để cung ứng ra thị trường nguồn lao động có chất lượng cao.
Ở bậc đại học, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.
Ở bậc cao đẳng và trung cấp, có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo nghề logistics với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp.
Tuy vậy, theo dự báo, trong 3 năm tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, nguồn cung lao động hiện tại cho dịch vụ logistics chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế.
Australia thông qua Chương trình Aus4Skills đã triển khai khóa đào tạo nâng cao về chiến lược (CBTA) và khóa học ngắn hạn Australia Awards Short Course (AASC) đối với chiến lược đào tạo nghề cho giảng viên và cán bộ giáo dục nghề nghiệp trong ngành logisitcs.
Các nhà quản lý thường là những người chủ chốt, được đào tạo và đào tạo lại; tuy nhiên, họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít khi cập nhật kiến thức và phong cách lãnh đạo của họ chưa theo kịp nhu cầu.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN LAO ĐỘNG
Với mức tăng trưởng từ 10-15% mỗi năm, logistics được coi là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Tiếp theo đó là sự ra đời của thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH được ban hành vào năm 2020. Theo đó, số lượng mã ngành logistics được mở tại các trường cao đẳng tăng đáng kể, góp phần giải quyết được phần nào bài toán nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong bối cảnh Chính phủ xác định phát triển nguồn nhân lực là một phần trong 5 nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, cải thiện chất lượng dịch vụ ngành logisitcs và phát triển cơ sở hạ tầng được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, nâng tầm kỹ năng và vai trò của hội đồng kỹ năng ngành được nhắc đến như một trong những chiến lược quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Ngày 30/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1446/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, với mục tiêu đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực, nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bà Lou De Castro Myles, Chuyên gia Giáo dục nghề nghiệp, Giảng viên quốc tế của Strategic, Australia cho biết logistics là một ngành làm việc quốc tế do vậy cần phải lưu ý đến các tiêu chuẩn quốc tế. Australia thông qua Chương trình Aus4Skills đã triển khai khóa đào tạo nâng cao về chiến lược (CBTA) và khóa học ngắn hạn Australia Awards Short Course (AASC) đối với chiến lược đào tạo nghề cho giảng viên và cán bộ giáo dục nghề nghiệp trong ngành logisitcs. Trong đó, khóa đào tạo CBTA dựa trên sự phối hợp chặt chẽ ba bên giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp có nhu cầu để triển khai đào tạo theo phương pháp đánh giá năng lực đã cho thấy nhiều kết quả khả quan.
Chương trình Aus4Skills là tên gọi tắt của Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.
Đây là dự án của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Chương trình này hợp tác trong 10 năm (2016-2025) có trị giá lên tới 86,4 triệu đô la Úc.
Năm mục tiêu chính của Aus4Skills bao gồm: Triển khai học bổng Australia Awards và các chương trình hỗ trợ cựu du học sinh sau khi về nước; Nâng cao năng lực giáo dục nghề nghiệp (VET) của Việt Nam; và Hỗ trợ phát triển dịch vụ công thông qua Trung tâm Việt Úc (VAC).
Khánh Vy