Đang có một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồn dập vào Việt Nam. Điều này cho thấy, việc chuẩn bị “lót ổ” đón các nhà đầu tư càng trở nên cấp thiết.
Thông tin về các làn sóng FDI đến Việt Nam được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan mới đây.
Đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam
Theo đó, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phân tích đầu tiên là đầu tư của Hàn Quốc. Trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Việt Nam là số một. Và khi ra quyết định phải nói rằng, Hàn Quốc quyết định rất nhanh. Ví dụ, Samsung trong vòng 5 năm đã đầu tư 20 tỷ USD vào Việt Nam. “Chúng ta tiếp tục kỳ vọng vào các dự án lớn của tập đoàn Samsung sắp tới tại Việt nam”, ông Hoàng nói. Cùng với đó, rất nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đến Việt Nam.
Nhiều làn sóng FDI đang dồn dập đổ bổ Việt Nam.
Với đầu tư của Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đánh giá, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang ấp ủ nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay do đồng Yên mất giá, vì vậy các doanh nghiệp Nhật Bản đang chững lại khi quyết định đầu tư.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện nổi lên là một quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc hiện nay thuộc tập đoàn top 10 thế giới, với quy mô lớn. "Những dự án quy mô dù to hay nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động, chúng tôi sẽ không tiếp nhận”, ông Hoàng khẳng định.
Đáng chú ý, về dòng vốn đầu tư của Mỹ, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, đang có nhiều tập đoàn sản xuất chip bán dẫn tới Việt Nam. Hiện, rất nhiều đoàn đang đến với Việt Nam âm thầm lặng lẽ để khảo sát hệ sinh thái về chip bán dẫn của Việt Nam...
“Tôi muốn mô tả những thông tin với các con số cụ thể trên để thấy rằng đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, ông CY Huang - Chủ tịch sáng lập Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á, đánh giá: Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư Đài Loan trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh. Trong những năm gần đây, các tập đoàn công nghệ và điện tử lớn như Apple, Samsung và Foxconn đã đầu tư và thành lập nhà máy tại Việt Nam, thu hút các nhà cung cấp Đài Loan đến Việt Nam đầu tư.
Cấp thiết "xây tổ" đón đại bàng
Để đón làn sóng đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lượng sạch, hạ tầng logistics…
Cùng với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh tháo gỡ bất cập về thủ tục hành chính. Ông Hoàng đánh giá: "Trước đây, khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc ở bất kỳ khâu nào gặp lãnh đạo Sở rất khó. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy sẵn sàng gặp doanh nghiệp để tìm ra các phương án tháo gỡ khó khăn, miễn là đầu tư nghiêm túc. Với những nỗ lực đó, các doanh nghiệp FDI ngày càng đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn".
Thực tế, việc chuẩn bị “xây tổ” đón “đại bàng” đã được chuẩn bị rốt ráo trong thời gian gần đây. Một trong những điều đầu tiên là quỹ đất sạch trong khu công nghiệp. Ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh và marketing của Khu công nghiệp DEEP C, cho biết: Bất động sản công nghiệp không còn đơn thuần là việc bán đất mà còn là việc phát triển làn sóng khu công nghiệp mới theo mô hình bền vững.
"DEEP C đã hoạt động tại Việt Nam được 27 năm. Trong những năm qua, chúng tôi đã phát triển từ một khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái", ông Koen Soenens nói. Khu công nghiệp sinh thái sẽ trở thành hình mẫu mà Việt Nam sẽ sử dụng để quảng bá hình ảnh điểm đến đầu tư bền vững cho các công ty nước ngoài.
Theo đại diện DEEP C, các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển trong những điều kiện bền vững và họ cũng muốn tiếp cận nguồn lao động, không chỉ có số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng phù hợp. Họ yêu cầu trình độ cao hơn, công nhân có tay nghề cao cho các nhà máy mà họ muốn đặt tại Việt Nam.
Một điểm rất quan trọng được đại diện DEEP hướng đến là các cơ quan quản lý Việt Nam cần cụ thể hơn về giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với FDI.
Đồng thời, “Chúng ta cũng cần nỗ lực mở rộng hơn nữa hệ sinh thái nơi các công ty đó hoạt động. Nếu chuỗi cung ứng ở Việt Nam không phát triển đầy đủ, việc thu hút FDI sẽ trở nên khó khăn vì họ sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy ở Việt Nam có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cho chuỗi cung ứng của họ”, ông Koen Soenens nhấn mạnh.
Thy Lê
Link gốc