Trong khoảng 20 năm qua, câu chuyện đưa phân bón là đối tượng chịu thuế VAT hay không luôn luôn là chủ đề gây bàn cãi. Đây là bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp, người nông dân, nhà nước. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa phân bón vào nhóm hàng chịu mức 5% thuế VAT sẽ tạo thêm gánh nặng cho nông dân, bởi nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng.
Tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%, tuy nhiên ý kiến này tiếp tục gây tranh cãi. Năm 2008 khi sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng, Quốc hội đưa phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5% và hoàn thuế cho doanh nghiệp (DN).
Áp thuế có giảm được giá phân bón?
Tuy nhiên, đến năm 2014, khi sửa đổi và thông qua Luật số 71/2014, Quốc hội đưa phân bón ra khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế VAT 5%, đồng nghĩa với DN phân bón không thuộc diện được hoàn thuế. Và năm 2024, sau 10 năm, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị đưa phân bón trở lại danh mục mặt hàng chịu thuế VAT 5%.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị đưa phân bón trở lại danh mục mặt hàng chịu thuế VAT 5%.
Bộ Tài chính cho rằng, kể từ khi thực hiện Luật số 71 về Thuế Giá trị gia tăng, mặt hàng phân bón không nằm trong danh mục chịu thuế, điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hoá, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Dẫn đến không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.
Bộ Tài chính cho biết, sản lượng của phân bón sản xuất trong nước là 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7%, tức là khoảng 4 triệu tấn/năm. Việc không nằm trong danh mục chịu thuế VAT nên mỗi năm doanh nghiệp phân bón không được hoàn số tiền dự toán là 1.500 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại từ nhỏ cho tới lớn, mỗi năm có khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại sử dụng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đều tính thuế VAT cho phân bón, không trừ quốc gia nào cả. “Tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp, đối tượng cần được ưu tiên, phải được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội”, ông Ngọc nói.
Bên cạnh đó, có nhiều quan điểm cho rằng việc đưa mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp để giúp cho DN được khấu trừ đầu vào và tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu. Điều này sẽ giúp DN giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, ở góc độ DN nhập khẩu phân bón, Vinacam lại cho rằng, trước đây khi phân bón duy trì mức thuế VAT 5% thì các nhà máy sản xuất phân bón trong nước và cả Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều nhất loạt đề nghị không nên áp dụng thuế VAT cho phân bón vì VAT đánh vào người tiêu dùng, việc duy trì thuế VAT 5% sẽ khiến người nông dân phải chịu thêm 5% thuế khi mua hàng…
Cho đến nay, việc đề xuất áp dụng lại thuế VAT cũng lại chủ yếu trên cơ sở để các DN sản xuất được khấu trừ thuế VAT đầu vào làm giảm giá thành sản xuất để giảm được giá bán.
Vẫn tiếp tục tranh cãi
“Chúng ta đều biết, giá và giá trị là 2 thứ thường không gặp nhau. Giá thị trường do thị trường quyết định, do cung và cầu, cung nhiều cầu ít thì giá thấp, cung ít cầu nhiều thì giá cao. Do vậy, việc áp thuế VAT cho nhà sản xuất được khấu trừ VAT đầu vào giúp giảm giá thành sẽ giảm giá bán là khiên cưỡng nhất là trong thời điểm Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh thuế VAT hàng tiêu dùng từ 10% xuống 8% như vừa qua”, Vinacam nhìn nhận.
Tại Nghị trường Quốc hội vấn đề này cũng gây nóng. Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đồng Nai, cho rằng nếu phân bón bị áp thuế VAT, DN sẽ hoàn thuế, từ đó có nguồn lực đầu tư, mở rộng thêm. “Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với nhập khẩu thì khi đó người dân được lợi chứ không phải bị thiệt", đại biểu An nói.
Tuy vậy, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn Trà Vinh cho rằng: Trong báo cáo, Bộ Tài chính chỉ đề cập đến lợi ích của việc đánh thuế VAT với phân bón như: DN sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh với phân bón nước ngoài và Nhà nước có thêm nguồn thu. Đánh giá này chưa đầy đủ, chưa mang tính thuyết phục.
Trong khi đó, PGS. TS. Hoàng Văn Cường, đoàn TP. Hà Nội phân tích, trong báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính, từ tháng 1/2015, sau khi áp thuế 0% thì lập tức giá phân bón giảm 500 nghìn đồng/tấn, đến năm 2016 lại tiếp tục giảm, năm 2017 tiếp tục giảm 700-800 nghìn đồng/tấn, có nghĩa liên tục giảm sau khi chúng ta chuyển từ thuế 5% xuống 0%.
Ông Cường nhìn nhận, đến tận năm 2018, giá phân bón mới tăng lên là do nhà máy phân đạm trong nước không hoạt động hết công suất; đến năm 2022 vừa qua tăng rất nhiều là do chiến tranh của Nga - Ukraine.
"Do vậy, không có lý do gì nói rằng, chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá", ông Cường nói và lưu ý rằng "không thể nói tăng thuế như thế là bà con nông dân được hưởng lợi".
Một số chuyên gia cũng cho rằng lập luận của Bộ Tài chính về việc nếu phân bón không chịu thuế VAT 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhưng nếu như có thuế 5%, ngân sách sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ đồng và để bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách sẽ còn thu lãi khoảng 4.200 tỷ đồng. Vậy, hỏi rằng 4.200 tỷ ngân sách thu được và 1.500 tỷ đồng bù đắp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra. Rõ ràng tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn, điều đấy thể hiện bất hợp lý.
Ông Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Với mặt hàng phân bón, có những quan điểm đưa vào nhóm hàng hóa không chịu thuế nhưng lại có quan điểm áp thuế VAT 5%. Trước đây, mặt hàng phân bón từng được đưa vào diện chịu thuế, xong Quốc hội bỏ ra, nay lại đưa vào áp thuế, cơ quan soạn thảo sẽ phải đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp Quốc năm nay. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách.
Ông Trần Văn Lâm
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Đặc thù của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hạch toán để khấu trừ VAT đầu vào, nên hầu như toàn bộ 5% VAT này nếu thu thì sẽ cấu phần vào làm tăng giá thành nông sản, giảm cạnh tranh, giảm thu nhập của nông nghiệp, nông dân. Không nên chuyển phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp và tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu VAT, nếu có chuyển thì cũng chỉ nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%.
GS Võ Tòng Xuân
Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ
Tôi ủng hộ đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế bởi hai lý do, thứ nhất là tăng khả năng cạnh tranh của phân bón trong nước khi các nước trong và ngoài khu vực đều đánh thuế VAT đối với phân bón và có chính sách hoàn thuế cho doanh nghiệp, từ đây giá sản phẩm phân bón các nước rẻ và có lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng Việt. Trước mắt nếu đánh thuế phân bón, phân vô cơ sẽ có giá cao hơn các loại phân hữu cơ, phân vi sinh và phân tự chế của bà con nông dân. Điều này sẽ giúp thay đổi quan điểm về phân bón cho cây trồng, người nông dân sẽ sử dụng nhiều hơn phân hữu cơ, vi sinh, đa tác dụng cho môi trường, cho sức khoẻ và cho hệ sinh thái.
Nhật Linh - Link gốc