Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt để kiềm chế lạm phát cao do những ảnh hưởng bởi chiến sự Ukraine, nhưng một số chuyên gia cho rằng cần phải tăng "liệu pháp sốc" cao hơn nữa để hạ nhiệt nền kinh tế thời chiến quá nóng của nước này.
Nền kinh tế "quá nóng"
Cho đến nay, nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy nền kinh tế Nga vững vàng một cách đáng ngạc nhiên trong bối cảnh bị bao vây bởi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây. Những biện pháp này nhằm cô lập Moscow khỏi hệ thống tài chính toàn cầu như một hình phạt cho việc đưa quân tới Ukraine. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về các vấn đề kinh tế đang ở phía trước.
Dự kiến mức tăng trưởng 2,9% vào năm 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu của chính phủ cho quân đội, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lao động đã làm tăng vọt tiền lương và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát hàng năm, hiện ở mức 8,59%, cao gấp đôi so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.
Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt để kiềm chế lạm phát cao. (Ảnh: REUTERS/Shamil Zhumatov)
Để thắt chặt chính sách tiền tệ và kiềm chế lạm phát, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến sẽ tăng từ 16% lên 18% khi tổ chức này họp vào ngày 26/7, theo các hãng thông tấn kinh doanh của Nga là RBC và Vedemosti.
Tuy nhiên, ông Alexei Antonov, giám đốc tư vấn đầu tư tại Alor Broker, cho biết ngay cả mức tăng này cũng không đủ để “làm mát nền kinh tế đang quá nóng”. Dù vậy, ông không cho rằng ngân hàng "sẽ dùng đến ‘liệu pháp sốc' lãi suất 20-24% trong một thời gian ngắn", theo kênh tài chính Profinance.ru.
Con số này sẽ cao hơn nhiều so với mức tăng gấp đôi từ 9,5% lên 20% mà Ngân hàng Trung ương Nga đã áp dụng vào tháng 2/2022, ngay sau khi đưa quân tới Ukraine.
Trong tuyên bố, Ngân hàng trung ương Nga nêu rõ đây là biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga "thay đổi mạnh”.
Biện pháp này sẽ đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát. Đây cũng là động thái cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.
Trả lời phỏng vấn Profinance, ông Antonov cho hay có một một lựa chọn khác là tăng lãi suất lên 18% trong tuần này và tiếp tục chu kỳ tăng trong tương lai, mặc dù điều này phụ thuộc nhiều vào mục tiêu lạm phát và các lưu ý của Ngân hàng Trung ương Nga về rủi ro dự kiến khi tăng lãi suất.
"Cần có lập trường cứng rắn"
Ông Bartosz Sawicki, nhà phân tích thị trường tại Conotoxia fintech, chia sẻ với Newsweek rằng: "Ngân hàng Trung ương Nga cần phải có lập trường cứng rắn hơn so với trước đây để kiềm chế áp lực giá cả trong nền kinh tế đang bùng nổ tiêu dùng và thiếu hụt lao động".
"Sự gia tăng lãi suất sắp tới nên được coi là một sự điều chỉnh bổ sung, một lần và đánh dấu đỉnh điểm của chu kỳ”, vị chuyên gia nhấn mạnh thêm.
Ông Sawicki cho biết “Khi tỷ lệ lạm phát hàng năm dần tiến gần đến mức 5% vào năm 2025, chi phí đi vay cần được cắt giảm. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga nên bám sát vào lập trường cứng rắn và nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát mức tăng giá".
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina năm ngoái đã so sánh nền kinh tế Nga với một “tài xế nhấn quá mạnh vào chân ga”. Bà nói rằng điều đó có nghĩa là "chúng ta sẽ không đi xa được”.
Tháng trước, tờ báo The Bell đưa tin rằng, trong bối cảnh Điện Kremlin tăng chi tiêu để chi trả cho chiến sự, "rõ ràng là lãi suất không có tác dụng nhiều trong việc kìm hãm nhu cầu". Tờ báo này cho biết Ngân hàng Trung ương có thể không có lựa chọn nào về việc có nên tăng lãi suất hay không, "chỉ có thể lựa chọn mức lãi suất cao nhất".
Ông Sawicki cho biết thêm rằng: "Kỳ vọng lạm phát giảm, vốn đã ở mức hai chữ số kể từ tháng 2/2021, có vẻ không khả quan khi giá thực phẩm tăng".
Theo Tổng cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), chỉ số giá tiêu dùng tại Nga trong tháng 6 đã tăng 0,64% so với tháng trước đó. Trong đó, giá lương thực đã tăng 0,63% so với tháng trước đó và tăng 9,81% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các mặt hàng phi lương thực cũng tăng lần lượt 0,29% và 7,01%. Giá dịch vụ trong tháng 6 cũng tăng 1,06% so với tháng trước đó và tăng 8,79% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo News Week
Link gốc