Theo Tổng cục Thống kê, chặng đường cuối năm sẽ nhiều thách thức do những biến động từ quốc tế khó đoán định và mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% của năm là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Vietnam+)
“Bước sang quý 3, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.”
Chia sẻ những đánh giá về chặng đường tiếp theo của năm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn và cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Duy trì xu hướng tích cực
- Thưa bà, nền kinh tế đã đi qua một nửa đầu của năm với nhiều tín hiệu tích cực. Xin bà chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả này?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương: Trên bình diện quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong quý 2 ghi nhận xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Theo đó, giá trung bình của hàng hóa đã giảm nhẹ nhờ vào nguồn cung được cải thiện. Tại thời điểm tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế…) đều đưa ra nhận định lạc quan và điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.
Trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra (Nghị quyết số 01/NQ-CP về phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng) nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.
Đến nay, tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước. Các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Cụ thể, một số điểm sáng về kinh tế-xã hội quý 2 và sáu tháng đầu năm 2024 có thể kế đến như sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, lúa Đông Xuân được mùa. Bên cạnh đó, sản lượng một số cây ăn chủ yếu đạt khá và được giá do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Chăn nuôi cũng phát triển ổn định, hoạt động khai thác gỗ được đẩy mạnh và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng cao nhờ thực hiện tốt quy định và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)
Về sản xuất công nghiệp, xu hướng phục hồi rất tích cực với chỉ số sản xuất tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%, nhờ đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Cùng với đó, ngành du lịch duy trì mức tăng cao với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Kết quả, khách quốc tế đến nước ta trong sáu tháng đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019-năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể hiện thực mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Điểm nổi bật khác là tăng trưởng thương mại thế giới được cải thiện đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng sơ bộ đạt 368,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 15%, nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD), góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.
- Trong bức tranh tổng thể đó, xin bà cho biết khu vực doanh nghiệp đã có những đóng góp cụ thể như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương: Nền kinh tế đã chứng kiến sự phục hồi sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp sau nhiều tháng gặp khó khăn trước đó. Đến nay, số doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong sáu tháng đạt xấp xỉ 120 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110 nghìn doanh nghiệp.
Theo đà đó, số lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động ghi nhận sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước đồng thời công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, lao động có việc làm trong sáu tháng đạt 51,4 triệu người, tăng 196 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và thu nhập bình quân lao động ước tính đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% (tương ứng tăng 519 nghìn đồng).
Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách Nhà nước, ước đạt 1.020 nghìn tỷ đồng trong sáu tháng qua, bằng 60% dự toán năm và tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt gần 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59% và tăng 18%.
Thu hút vốn đầu tư trong sáu tháng đầu năm 2024 cũng tăng cao, phản ánh sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tính chung, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong sáu tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó quý 1 đạt 617 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%, quý 2 đạt 834 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2020-2024.
Cần sự chung sức, đồng lòng
- Với những kết quả đạt được, mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 có khả quan hay không và nhiệm vụ đặt ra ở các chặng cuối năm là gì, thưa bà?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương: Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội ghi nhận những kết quả tích cực, song nền kinh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do có độ mở lớn và chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới. Trên thực tế, các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai rất khó dự báo. Do đó, mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Vì vậy các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh; đặc biệt là kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát liên tục cập nhật để có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa giữa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô với mục tiêu duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Song song đó, các cấp quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục… theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Điều này nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Mặt khác, các ngành trọng yếu cần bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Các chương trình xúc tiến thương mại cần thực hiện hiệu quả. (Ảnh: Vietnam+)
Bộ Công Thương cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Các chương trình xúc tiến thương mại cần thực hiện hiệu quả, từ đó thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Đặc biệt là chú trọng vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới.
Ngành cũng cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới đang dần phục hồi. Doanh nghiệp chú trọng mở rộng thị trường, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Các cấp, ngành cần triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa. Điều này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.
Thêm vào đó, các bộ, ngành và địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm cần tập trung thúc đẩy tiến độ thi công. Nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; trong đó phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đồng thời thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Các chính sách thu hút FDI cần phải chủ động và có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, trong đó chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế-xã hội cũng như các địa phương trong vùng.
Một điều cũng cần quan tâm là tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, có phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp và chủ động cung cấp nước tưới, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống cháy rừng.
Công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp cần phải được nâng cao hơn nữa, phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.
Cụ thể, các cấp quản lý cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tăng cường công tác thông tin-truyền thông tạo đồng thuận, đoàn kết trong toàn xã hội và hợp tác quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn bà!