Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh Brunei, giá xuất khẩu gạo sang một số thị trường cũng neo ở mức khá cao. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo trung bình sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường tăng cao
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu 650.000 tấn gạo với kim ngạch 416 triệu USD trong tháng 6/2024, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,6 triệu tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Với việc Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% hiện hành xuống còn 15%, theo các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ tăng tốc và mức giá ổn định trở lại ở mức cao. Bởi thị trường tiềm năng này, 5 tháng đầu năm nay đã tiêu thụ 1,83 triệu tấn, chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Nhiều khả năng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục ổn định, giá tăng cao đến hết năm nay nếu Ấn Độ vẫn chưa tháo bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo để ổn định an ninh lương thực trong nước.
Mặc dù nhiều thuận lợi, song các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.
Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Điều thúc đẩy giá gạo tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu.
Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Như Cường cho biết, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo trong nước cũng đối diện hạn mặn xâm nhập...
Đối với Bộ Công Thương, từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam với các đối tác. Cụ thể, đàm phán, trao đổi song phương với Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.
Với thị trường Philippines, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Trong giai đoạn 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hằng năm lên tới 1,5-2,0 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo hai nước.