Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) thông báo quyết định cắt giảm sản lượng dầu tại mỏ El Sharara, một trong những mỏ dầu lớn nhất của nước này.
Một cơ sở lọc dầu tại thị trấn Ras Lanuf, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) thông báo quyết định cắt giảm sản lượng dầu tại mỏ El Sharara, một trong những mỏ dầu lớn nhất của nước này, do các cuộc biểu tình của người dân vùng Fezzan thuộc miền Tây Nam Libya.
Quyết định trên một lần nữa nêu bật những khó khăn và thách thức đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya, vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc xung đột cục bộ và tình trạng bất ổn. Hỗn loạn chính trị và an ninh đã cản trở Libya phát huy tiềm năng của ngành dầu mỏ.
Mỏ El Sharara, với sản lượng khoảng 300.000 thùng dầu thô/ngày, đã nhiều lần ngừng hoạt động do các cuộc biểu tình. Hồi tháng 1/2024, mỏ này đã buộc phải dừng sản xuất do người dân trong vùng tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu NOC quan tâm đến nhu cầu kinh tế-xã hội của họ.
Chỉ sau khi Chủ tịch NOC Farhat Bengdara cam kết sẽ đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình, hoạt động sản xuất mới được nối lại tại mỏ El Sharara.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình mới một lần nữa đe dọa hoạt động sản xuất dầu. Điều này phản ánh sự bất mãn của người dân địa phương về điều kiện kinh tế-xã hội.
Libya, quốc gia nắm giữ trữ lượng hydrocarbon được kiểm chứng lớn nhất châu Phi, vẫn đang phải vật lộn với các vấn đề nội bộ. Tính đến đầu năm 2020, trữ lượng dầu thô được kiểm chứng của Libya ước vào khoảng 48,4 tỷ thùng.
Tuy nhiên, dù là thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Libya đã không tham gia các thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay của liên minh giữa OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+.
Nước này được phép duy trì sản lượng ở mức độ linh hoạt nhất định. Theo báo cáo của OPEC, sản lượng dầu thô của Libya trong tháng 6/2024 đạt 1,2 triệu thùng/ngày, cao hơn so với tháng 4 và 5/2024.
Trước cuộc chính biến mùa Xuân năm 2011, Libya là một trong những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Năm 2008, quốc gia này sản xuất hơn 1,8 triệu thùng/ngày, nhưng biến động chính trị đã khiến con số này giảm mạnh. Trong giai đoạn 2013-2020, tình trạng đình đốn sản xuất và xuất khẩu dầu đã khiến Libya thiệt hại hơn 180 tỷ USD.
Nguyễn Trường-Link gốc