• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 11:34:10 CH - Mở cửa
Việt Nam sẽ là bến đáp mới của 'đại bàng' ô tô Trung Quốc?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 24/09/2024 3:31:07 CH
Thời gian qua, liên tiếp các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc công bố xây dựng nhà máy, hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, với các cam kết đầu tư từ những tên tuổi lớn như Geely Auto, Chery Automobile và BYD.
 
Geely Auto, thương hiệu ô tô nổi tiếng của Trung Quốc, đã công bố ký kết hợp đồng liên doanh với Công ty cổ phần Tasco của Việt Nam để lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam như một phần của cam kết mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư gần 170 triệu USD.
 
Theo thông tin công bố vào ngày 24 tháng 9, Geely sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30 ha tại Tiền Hải, Thái Bình. Geely sẽ đóng góp 36% vốn trong tổng số vốn đầu tư 168 triệu USD, phần còn lại do Tasco đảm nhiệm. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
 
Trước đó, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 9, Tổng giám đốc điều hành Geely, ông Gan Jiayue, đã trình bày chi tiết kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.
 
Cam kết này của Geely được đưa ra sau khi các quan chức Trung Quốc khuyến khích các nhà sản xuất ô tô đẩy mạnh xuất khẩu các bộ phận tháo rời sang các nhà máy ở nước ngoài, nhằm sản xuất các bộ phận chính tại Trung Quốc và lắp ráp hoàn thiện tại thị trường đích.
 
Cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp Trung Quốc
 
Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
 
 
Trụ sở tập đoàn Geely tại Hàng Châu, Trung Quốc.
 
Ngoài nhà máy sản xuất lắp ráp, liên doanh cho biết sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khác để hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển ô tô R&D cho khu vực Đông Nam Á, thành lập trường Đại học đào tạo kỹ thuật ô tô, đầu tư sản xuất điện thoại thông minh phục vụ chuyên biệt cho việc kết nối ô tô - xe với con người tại Khu kinh tế Tiền Hải, Thái Bình.
 
“Cùng nhau, chúng tôi sẽ xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và dịch vụ ô tô tại Thái Bình, tạo thành một khu tập trung về công nghiệp ô tô, nghiên cứu và phát triển nhân lực ô tô xuất khẩu hướng đến ASEAN và các khu vực khác có lợi thế”, lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Geely cho biết.
 
Việc một trong 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới lên xây dựng cả một hệ sinh thái công nghiệp ô tô tại Việt Nam một lần nữa khẳng định Việt Nam đang lọt vào “tầm ngắm” của nhiều đại bàng trong ngành công nghiệp này. Đáng nói, phần đa trong số các nhà đầu tư này là những doanh nghiệp ô tô top đầu Trung Quốc.
 
Đơn cử, Car News China mới đây cho biết, hồi giữa tháng 9, nhà sản xuất ô tô tư nhân có trụ sở ở Hà Bắc, Trung Quốc - Great Wall Motor đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác với Thành An Group lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Hiện tại thông tin về công suất dự kiến của nhà máy vẫn chưa được công bố nhưng nguồn tin cho biết việc sản xuất xe GWM tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ cuối năm 2025.
 
Trước đó, hồi tháng 4, Công ty TNHH Omoda & Jaecoo, thuộc tập đoàn Chery - Trung Quốc cũng đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Geleximco của Việt Nam để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô. Liên doanh dự kiến xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình với công suất 200.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026. Hay hồi đầu năm nay, TMT Motors công bố hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (Mỹ) và SAIC - WULING (Trung Quốc) để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền xe ô tô điện WULING tại Việt Nam.
 
Nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới - BYD cũng không giấu ý định xây dựng “cứ điểm” riêng tại Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 vừa qua, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Auto Việt Nam cho biết sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam khi thị trường đủ lớn: “Thời gian qua chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc để tìm địa điểm đặt nhà máy lắp sản phẩm tại Việt Nam, mục tiêu mong muốn là trong 2 năm tới có thể triển khai nhà máy”.
 
Vì sao là Việt Nam?
 
Giám đốc Điều hành BYD Auto Việt Nam cho biết, tập đoàn xem Việt Nam là thị trường trọng điểm. Việt Nam là thị trường rất tiềm năng với dân số đã vượt mốc 100 triệu người, trong đó tỉ lệ dân số vàng cao, bên cạnh đó GDP tăng trưởng luôn ở mức cao, cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư và hoàn thiện.
 
Không chỉ BYD mà nhiều nhà sản xuất khác thấy được điều này. Bởi vậy, để có thể thành công tại Việt Nam thì hướng tới việc lắp ráp, sản xuất trong nước là chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp.
 
Nói về kế hoạch xây nhà máy của Tasco và Geely, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình cho rằng sự hợp tác diễn ra rất đúng thời điểm: “Thị trường ô tô Việt Nam đầy tiềm năng, tỷ lệ sở hữu xe ô tô trên 1.000 dân ở Việt Nam hiện đạt khoảng 63 xe so với hơn 300 xe ở Thái Lan. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam cao hàng đầu thế giới. Dự kiến tăng trưởng thị trường xe bình quân đến 2030 đạt từ 14 - 16%/năm, tổng lượng xe ô tô tiêu thụ đạt 1 – 1,1 triệu xe, tầm nhìn đến 2045 dự kiến đạt 4,5 – 4,7 triệu xe. Bên cạnh đó, nhiều chính sách quan trọng từ Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp ô tô đang được xây dựng và sẽ sớm thông qua, nhằm thúc đẩy sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa”, ông Hải nhấn mạnh.
 
Theo các chuyên gia, ngoài lợi thế về thị trường, việc ô tô nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc vào Việt Nam chịu mức thuế cao hơn nhiều so với xe nhập từ các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng là một trong các nguyên nhân thôi thúc doanh nghiệp ô tô Trung Quốc gia tăng sản xuất tại Việt Nam.
 
Với một số doanh nghiệp như GWM, Việt Nam là một phần trong kế hoạch chinh phục Đông Nam Á của họ. GWM vốn có tham vọng mở rộng thị phần ra toàn thế giới. Tuy nhiên, thành tích ở thị trường châu Âu không quá cao khiến hãng nhanh chóng chuyển hướng sang Đông Nam Á. Việt Nam hiện là thị trường ô tô lớn thứ tư ở ASEAN. Trước kế hoạch sản xuất tại Việt Nam, GWM đã có mặt ở Thái Lan, Malaysia, Lào, Brunei dưới nhiều hình thức. Công ty này đã ký thỏa thuận lắp ráp với EP Manufacturing Berhad (EPMB) của Malaysia, cũng như đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp khác ở Indonesia.