Những tham vọng của Saudi Arabia và chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm thay đổi cơ cấu của thị trường năng lượng toàn cầu.
Nhà máy lọc dầu tại Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: THX/TTXVN
Dầu mỏ vẫn là một trong những mặt hàng quan trọng nhất của kinh tế thế giới và những thay đổi về giá dầu sẽ ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế mà còn làm thay đổi quyền lực chính trị.
Quyết định tăng sản lượng dầu của Saudi Arabia vào cuối năm ngoái báo hiệu những biến động có thể xảy ra trên thị trường thế giới. Đối với các nước xuất khẩu dầu như Nga, điều này có thể đồng nghĩa với việc thiếu hụt ngân sách và gia tăng áp lực kinh tế. Ngược lại, các nước nhập khẩu dầu, đặc biệt là ở Trung Âu, có thể nhận thấy cơ hội giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, Nga có thể phải đối mặt với những vấn đề tương tự như những vấn đề mà Liên Xô từng gặp phải vào những năm 1980. Nga phải dựa vào xuất khẩu năng lượng để duy trì giá trị đồng nội tệ và phải vật lộn với áp lực ngân sách. Doanh thu từ dầu mỏ là nguồn thu chính của ngân sách Nga. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, dầu mỏ dự kiến sẽ chiếm 27% tổng thu nhập của đất nước vào năm 2025. Chính phủ Nga đang xây dựng ngân sách dựa trên mức giá dầu dự kiến là 70 USD/thùng. Nếu giá giảm đáng kể, Nga sẽ phải đối mặt với tổn thất nghiêm trọng.
Ngược lại, các nước Trung Âu chủ yếu là các nước nhập khẩu dầu mỏ. Đối với họ, giá thấp hơn có thể giảm bớt áp lực ngân sách. Các quốc gia như Slovakia và Hungary vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ từ Nga, nhưng nguồn cung toàn cầu ngày càng tăng mang đến cơ hội giảm sự phụ thuộc đó. Sự thay đổi này có thể gây ra những tác động chính trị, khi các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, có thể cân nhắc các lựa chọn giữa việc tiếp tục phụ thuộc vào Nga hay chuyển sang các đối tác mới như Mỹ.
Ý định tăng cường khai thác nhiên liệu hóa thạch của ông Trump cũng có thể mang lại cho đại diện của một số nước Trung Âu một giải pháp thay thế và không thể loại trừ việc Thủ tướng Orban cuối cùng có thể đưa ra quyết định nghiêng về nguyên liệu thô của Mỹ.
Trụ sở OPEC tại Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN
Nếu các quốc gia sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia hay Mỹ tăng sản lượng, sức mạnh của Nga trên thị trường năng lượng thế giới có thể bị ảnh hưởng. Trong nhiều năm, Saudi Arabia đã cố gắng giữ giá dầu ở mức cao, nhằm đạt mục tiêu 100 USD/thùng. Kể từ năm 2014, những tác động địa chính trị từ chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia đã được xem xét kỹ lưỡng, nhưng cam kết giữ giá cao của quốc gia này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên theo Financial Times, cách tiếp cận này đã thay đổi đáng kể vào tháng 9/2024, khi Saudi Arabia bắt đầu ưu tiên thị phần hơn là ổn định giá cả.
Bắt đầu từ tháng 12/2024, Saudi Arabia có kế hoạch tăng sản lượng thêm 83.000 thùng/ngày và bổ sung tổng cộng 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2025. Động thái này gợi nhớ đến chiến lược của họ vào giữa những năm 1980, khi sản lượng tăng tương tự góp phần khiến giá dầu toàn cầu sụt giảm.
Giống như ở Nga ngày nay, lĩnh vực dầu mỏ mang lại nguồn thu đáng kể ở Liên Xô. Từ năm 1970 đến năm 1973, ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư trong tất cả các lĩnh vực. Đến năm 1986, tỷ lệ này đã tăng lên 19,5%. Nền kinh tế Liên Xô phụ thuộc vào sản xuất dầu mỏ nên dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Kể từ năm 1979, hầu hết các nước trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều đồng ý cắt giảm sản lượng và tăng giá dầu. Nhưng theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), những nỗ lực này không thật sự mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, do các thành viên không tuân thủ thỏa thuận này một cách nhất quán, Saudi Arabia cuối cùng đã bán dầu tràn ngập thị trường, khiến giá dầu giảm mạnh vào năm 1986, khi giá chạm đáy khoảng 10 USD/thùng.
Liên Xô khi đó gặp áp lực kinh tế, làm suy yếu đồng tiền và nền kinh tế của Liên Xô. Bên cạnh đó, trong hơn một thập kỷ, giá dầu trung bình đã giảm một nửa, từ mức trung bình 31,5 USD/thùng (giai đoạn tháng từ 1/1979 đến tháng 1/1986) xuống còn 16,3 USD/thùng (giai đoạn từ tháng 2/1986 đến tháng 7/1990).
Quan điểm cho rằng giá dầu giảm đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Liên Xô đang được tranh luận rộng rãi. Tuy nhiên, những điểm tương đồng với tình hình địa chính trị ngày nay rất đáng chú ý. Mặc dù chưa có sự hợp tác chính thức nào giữa Mỹ và Saudi Arabia được công bố, nhưng sự gia tăng sản xuất của Vương quốc này và những nỗ lực có thể có của Mỹ nhằm tăng sản lượng có thể phản ánh những áp lực kinh tế hồi những năm 1980.
Và việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng gây chú ý. Chính quyền của ông Trump cũng có thể tăng cường sản xuất dầu trong nước. Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã đề xuất tăng sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng mỗi ngày.
Và giá dầu cũng có thể giảm với sự tham gia của Venezuela, quốc gia có trữ lượng đã được chứng minh là lớn nhất thế giới, nhưng sản lượng ở đó còn hạn chế.
Việt Dũng-Link gốc