• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.276,08 +5,73/+0,45%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.276,08   +5,73/+0,45%  |   HNX-INDEX   231,22   +1,70/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   98,35   +0,61/+0,63%  |   VN30   1.340,52   +2,74/+0,20%  |   HNX30   479,18   +7,29/+1,55%
15 Tháng Hai 2025 8:29:42 CH - Mở cửa
Chiến tranh thương mại có thể cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 15/02/2025 11:22:54 SA

Hôm nay, ngày 15.2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi của mục tiêu này, đặc biệt là khi kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái do căng thẳng thương mại leo thang.

Áp lực lớn với mục tiêu tăng trưởng 8%

Theo đề án, Chính phủ đặt ra mục tiêu tham vọng khi không chỉ hướng tới mức tăng trưởng 8% vào năm 2025, mà còn kỳ vọng đạt mức hai con số từ năm 2026 trở đi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lần gần nhất Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 8% là vào năm 1997, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thuận lợi.

Ngày 15.2, Quốc hội thảo luận việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Ảnh: Quochoi.vn

Giai đoạn sau đó, nền kinh tế chưa từng lặp lại thành tích này một cách bền vững, ngoại trừ năm 2022 – thời điểm GDP tăng 8,02% do yếu tố phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ngay sau đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 5,05%, cho thấy sự chững lại của nền kinh tế khi các yếu tố hỗ trợ tạm thời mất đi.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh rằng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong bối cảnh hiện nay là một thách thức rất lớn, đặc biệt là nếu Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.

“Chúng ta có thể thấy rõ những nguy cơ từ xung đột thương mại, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể tác động đến Việt Nam. Nếu Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy áp thuế hoặc chịu các rào cản thương mại từ các đối tác lớn, mục tiêu tăng trưởng cao sẽ ngày càng xa vời,” ông Hà Sỹ Đồng nhận định.

Trước lo ngại từ các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng Chính phủ đã có những cuộc họp để thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Thực tế, mức tăng trưởng năm 2024 đạt 7,09% là rất cao, nhưng vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng chưa được khai thác hết. Ông Phớc cho biết, năm 2024, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, tình hình bất ổn của thế giới, và trong nước thì đầu tư công giải ngân chậm. Tuy nhiên, nếu giải quyết được những vấn đề này, nền kinh tế sẽ có thêm dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025.

Đề cập đến những yếu tố tác động đến tăng trưởng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh bốn động lực chính: sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong đó, đầu tư và xuất khẩu là hai yếu tố quan trọng nhất.

Về đầu tư, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đầu tư công. Ông cho biết, những năm gần đây, đầu tư công liên tục tăng. Năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đầu tư công tăng khoảng 108.000 tỷ đồng so với năm 2024. Ngoài ra, số thu ngân sách vượt dự toán ước đạt khoảng 331.000 tỷ đồng, sau khi trích lập quỹ cải cách tiền lương, còn khoảng hơn 158.000 tỷ đồng được bổ sung vào đầu tư năm 2025.

"Như vậy, tổng mức đầu tư công năm 2025 có thể xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời kéo theo các nguồn vốn đầu tư khác nhằm tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa", Phó Thủ tướng nhận định.

Một giải pháp quan trọng khác được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề cập là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Ông cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành thêm 1.000 km đường cao tốc trong năm 2025, hướng tới đạt 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các dự án đường sắt trọng điểm cũng được thúc đẩy, bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, kéo dài đến tận Cà Mau; tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ nhằm kết nối với các cảng; và ba tuyến đường sắt phía Bắc kết nối với Trung Quốc. Đây đều là những yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho đầu tư và tăng trưởng GDP.

"Mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn nữa", Phó Thủ tướng khẳng định. Ông nhấn mạnh rằng Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào công nghệ và chuyển đổi số. Đây sẽ là yếu tố quyết định giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu tăng trưởng tham vọng trong thời gian tới.

Áp lực lên ngân sách và doanh nghiệp

Một trong những giải pháp được đề xuất để đạt mức tăng trưởng cao là nới lỏng chính sách tài khóa, tăng chi tiêu công và chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn, có thể lên tới 4-4,5% GDP. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể chấp nhận mức nợ công tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cảnh báo 5% GDP để có nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cảnh báo rằng việc tăng bội chi có thể gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn do các chính sách thuế, đặc biệt là tình trạng chậm hoàn thuế VAT trong các ngành gỗ, cao su, sắn.

“Chúng ta cần cân nhắc giữa mục tiêu tăng trưởng và sự bền vững của nền kinh tế. Nếu đặt mục tiêu quá cao và dựa vào bội chi ngân sách để kích thích tăng trưởng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng nợ công tăng nhanh, kéo theo các hệ lụy về lạm phát và ổn định tài chính,” ông Đồng phân tích.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề cập đến tình trạng tín dụng thắt chặt, khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn. Mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn cao, trong khi các doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng đang gặp áp lực lớn từ chính sách thuế.

“Nếu môi trường kinh doanh không thực sự thuận lợi, doanh nghiệp khó có thể đầu tư mở rộng sản xuất, dẫn đến tăng trưởng khó đạt mục tiêu,” đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét.

Giải pháp nào cho mục tiêu 8%?

Trước những lo ngại này, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược linh hoạt và thực tế hơn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Ông Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ cần tiết kiệm chi tiêu để dành nguồn lực cho đầu tư công, tránh bội chi hoặc vay nợ nếu chưa thực sự cần thiết.

Ông nhấn mạnh rằng việc tăng thu, mở rộng bội chi hay nâng trần nợ công chỉ nên là giải pháp ứng phó trong trường hợp Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại, chứ không phải là cách để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt là cải cách hệ thống tư pháp để đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

Về thúc đẩy đầu tư công, ông đề xuất tập trung ngân sách vào phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số trong bộ máy nhà nước, từ đó tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo. Ông lưu ý rằng các khoản chi không mang tính đầu tư thường chỉ tạo ra tăng trưởng ngắn hạn trong năm đó, nhưng không có tác động lâu dài.

Về chiến lược dài hạn, ông khẳng định cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một giải pháp quan trọng nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đình trệ trong nhiều năm và cần được đẩy nhanh. Ông cũng cảnh báo rằng xu hướng độc quyền nhà nước đang có dấu hiệu gia tăng, do đó việc cổ phần hóa cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế.

“Nếu không có chiến tranh thương mại, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 8% trong năm 2025. Nhưng nếu tình hình quốc tế diễn biến xấu, chúng ta cần có phương án điều chỉnh linh hoạt để tránh rơi vào tình trạng hụt hơi,” đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Thành An-Link gốc