• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.339,81 +7,30/+0,55%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.339,81   +7,30/+0,55%  |   HNX-INDEX   221,79   +2,38/+1,08%  |   UPCOM-INDEX   98,14   +1,41/+1,46%  |   VN30   1.427,45   +3,60/+0,25%  |   HNX30   447,77   +8,24/+1,87%
28 Tháng Năm 2025 8:32:29 SA - Mở cửa
Lạc quan với cổ phiếu ngành tiêu dùng - bán lẻ
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 26/05/2025 8:20:00 SA

Với nền tảng là mức tăng trưởng doanh thu ổn định, lợi nhuận cải thiện rõ rệt và tâm lý tiêu dùng trong nước đang trở lại, giới đầu tư kỳ vọng cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.

Dù chịu ảnh hưởng bởi các biến động thương mại toàn cầu, đặc biệt là "cuộc chiến" thuế quan Mỹ – Trung, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận sự phục hồi tích cực. Xu hướng này được phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh quý I/2025 của các “ông lớn” niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tín hiệu hồi phục mạnh mẽ

Chẳng hạn, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.135 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 1.548 tỷ đồng, tăng tới 71%, trở thành quý có lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này - chỉ sau kỷ lục được thiết lập vào quý IV/2021.

Xu hướng tích cực của ngành bán lẻ được phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh quý I/2025 của các “ông lớn” trên sàn.

FPT Retail (FRT) cũng cho thấy sự bứt phá rõ rệt khi công bố doanh thu hợp nhất đạt 11.670 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tiếp tục đóng vai trò chủ lực, đóng góp 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 69% tổng doanh thu, tăng trưởng tới 46%. Lợi nhuận sau thuế đạt 212 tỷ đồng, cao gấp hơn 3,5 lần so với quý I/2024. Cùng với đó, kênh bán hàng trực tuyến cũng phát huy hiệu quả, đạt mức tăng trưởng 38%.

Không chỉ riêng nhóm bán lẻ điện máy - công nghệ, ngành bán lẻ tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng đang ghi nhận sự hồi sinh đáng chú ý.

Điển hình, Tập đoàn Masan (MSN) công bố doanh thu thuần hợp nhất quý I đạt 18.897 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi trụ cột trong hệ sinh thái Masan đều ghi nhận tăng trưởng.

Trong đó, Masan Consumer tiếp tục là động lực chính với doanh thu đạt 7.489 tỷ đồng (+14%), lợi nhuận trước thuế (EBIT) cũng tăng tương ứng lên 1.736 tỷ đồng.

WinCommerce (WCM) - đơn vị vận hành hệ thống siêu thị WinMart, ghi nhận doanh thu 8.785 tỷ đồng (+10%), và đã có lãi trở lại 58 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 74 tỷ hồi cùng kỳ năm ngoái.

Masan MEATLife (thương hiệu thịt mát của Masan) cũng đạt doanh thu 2.070 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế hơn 115 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn còn ghi nhận lỗ.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2025 đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,7% tổng mức, tăng 8,7%, trong đó: văn hóa – giáo dục tăng 12,6%; lương thực – thực phẩm tăng 9,8%; may mặc tăng 7,4%; hàng gia dụng tăng 5,9%. Điều này cho thấy nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và dược phẩm vẫn ổn định, ít chịu tác động từ biến động thuế quan.

Cổ phiếu được kỳ vọng

Với nền tảng là mức tăng trưởng doanh thu ổn định, lợi nhuận cải thiện rõ rệt và tâm lý tiêu dùng trong nước đang trở lại, giới đầu tư kỳ vọng cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.

Không chỉ được hậu thuẫn bởi nội lực doanh nghiệp, nhóm ngành này còn hưởng lợi từ nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ như: lãi suất thấp, chính sách kích cầu, tiêu dùng nội địa tăng và xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng bền vững, tiện lợi hơn.

Theo Agriseco, ngành bán lẻ được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ sức cầu nội địa phục hồi, hỗ trợ bởi chính sách giảm thuế VAT xuống 8% kéo dài đến 30/6/2025 và có thể gia hạn tiếp đến hết năm 2026. Ngoài ra, mức lương cơ bản tăng cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng.

Trong đó, mặt hàng dược phẩm, y tế tăng trưởng ổn định với đặc tính là nhóm hàng thiết yếu ít chịu ảnh hưởng bởi biến động kinh tế vĩ mô và ý thức chăm sóc sức khỏe tăng. Ngược lại, ngành ICT (thiết bị công nghệ) có thể phục hồi chậm do ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa. Các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành như FPT Retail, Thế giới Di động và Digiworld (DGW) đều đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cao trong năm 2025 và được đánh giá có nhiều khả năng hoàn thành kế hoạch nhờ mô hình bán lẻ linh hoạt, đa kênh cùng chiến lược mở rộng chuỗi hiệu quả.

Chứng khoán VPS đánh giá, bức tranh tiêu dùng nội địa không chỉ sáng lên nhờ các chính sách ngắn hạn, mà còn có nền tảng vững chắc từ các yếu tố dài hạn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô 488,08 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 12,05%, một con số ấn tượng phản ánh sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa nhanh (dự kiến đạt 55% vào năm 2030) và sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Chuyển đổi số tiếp tục là động lực then chốt thúc đẩy ngành bán lẻ. Đến năm 2025, dự kiến 80% dân số sẽ có tài khoản thanh toán điện tử, 90% điểm bán hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và 50% giao dịch thương mại điện tử sẽ được thực hiện qua các phương thức thanh toán số.

Những yếu tố này không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận tài chính mà còn thúc đẩy tiêu dùng tại cả đô thị lẫn vùng sâu vùng xa. Hạ tầng số cũng được đầu tư mạnh mẽ, với 82,4% hộ gia đình có kết nối cáp quang và việc triển khai 5G đang nâng cao tốc độ truy cập và khả năng kết nối toàn quốc. Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử góp phần đa dạng hóa kênh bán hàng và nâng cao trải nghiệm mua sắm đa nền tảng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với khoảng 68% dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi), tương đương hơn 52,9 triệu người trong quý I/2025. Mỗi năm có thêm khoảng 500.000 người gia nhập lực lượng lao động, tạo ra nguồn cầu bền vững cho tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, nhóm dân số trẻ (20 - 39 tuổi) chiếm gần 49% tổng dân số, đây là lực lượng tiêu dùng năng động, dễ tiếp cận công nghệ và nhạy bén với xu hướng mới. Đồng thời, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hiện đại, tạo nền tảng thuận lợi cho các mô hình bán lẻ mới phát triển mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định nhóm cổ phiếu bán lẻ (MWG, VNM …) sẽ là cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm.

Hải Giang-Link gốc

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức