Đứng bên trang trại gà dưới chân một ngọn núi ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, người nông dân Mo Bangmin cùng vợ đang tính toán thiệt hại của gia đình.
“Tôi đã mất khoảng 400.000 CNY (57.000 USD) khi một phần ba số lợn của tôi chết năm ngoái. Bây giờ, tôi lại mất 200.000 CNY (28.500 USD) cho số gà này - tất cả tiền tiết kiệm của tôi đã hết”, Mo Bangmin nói trong tiếng vịt ngỗng kêu vang tại chiếc ao gần đó.
Mo, ngoài 50 tuổi, là một trong nhiều người nuôi lợn Trung Quốc chuyển sang nuôi gà sau khi dịch tả lợn châu Phi tàn phá đàn lợn nước này, khiến một nửa đàn gia súc chết vì bệnh và bị tiêu hủy.
Sản lượng thịt lợn đã giảm mạnh và giá tháng trước tăng tới 110,2% so với cùng kỳ năm trước, đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao nhất 8 năm. Chi phí món thịt yêu thích tăng vọt đã buộc nhiều người dân Trung Quốc phải tìm đến các nguồn protein giá cả phải chăng hơn như thịt gà, và trong một số trường hợp, thịt chó.
Tiêu thụ gia cầm bình quân đầu người quốc gia đã tăng lên 9 kg trong năm 2018 từ mức 8 kg trong năm 2014, theo Cục Thống kê Quốc gia. Con số này được dự báo tăng lên 11,4 kg mỗi người vào năm 2020, theo Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hà Lan, với dữ liệu chính phủ cho thấy sản lượng gia cầm hàng năm ước tính tăng hơn 3 triệu tấn trong năm nay.
Nhưng đối với nhiều người từng chăn nuôi lợn như Mo, việc chăn nuôi gia cầm hóa ra không sinh lời như mong đợi.
Trong khi dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy giá bán lẻ thịt gà tăng 23% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 và giá trứng tăng 29% cũng trong thời kỳ đó, sản lượng tăng từ những nông dân mới đã đẩy giá chạm đáy.
“Giá gà bán lẻ thực sự đang tăng và mọi người nghĩ rằng nông dân nuôi gà kiếm bộn tiền”, ông Chen, một nông dân nuôi gà khác, nói. “Tuy nhiên, nông dân chúng tôi đang phải chịu đựng trong im lặng trong khi những người bán buôn thu về lợi nhuận khổng lồ”.
Chen, đã nuôi gà hơn một thập kỷ, cho biết vì nhiều người chăn nuôi lợn thiếu kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm, chất lượng gà của họ kém dẫn đến giá thấp.
Điều này đã tạo ra “cạnh tranh khốc liệt trong ngành”, ông nói, cho biết thêm rằng mức giá hiện nay còn tệ hơn so với khi dịch cúm gia cầm bùng phát tại Trung Quốc, khiến hàng loạt gia cầm bị tiêu hủy.
“Người nuôi lợn phần lớn đã chuyển sang nuôi gà do dịch tả lợn châu Phi”, Chen nói. Ông đang nuôi khoảng 100.000 con gà và bán gà con từ trang trại ở ngoại ô Phật Sơn, một thành phố gần Quảng Châu, trung tâm tỉnh Quảng Đông. “Họ giành lấy gà con và đẩy giá lên mức độ chưa từng thấy”.
Trung Quốc nuôi khoảng một nửa số lợn thế giới và sự lây lan của dịch lợn châu Phi đã khiến hàng triệu con lợn bị giết trên khắp đất nước kể từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát vào tháng 8 năm ngoái.
Với Mo, thời điểm bùng phát dịch không thể tồi tệ hơn khi ông vừa thuê một mảnh đất mới và xây 2 chuồng lợn với chi phí ban đầu là 65.000 CNY (9.300 USD) tiền thuê hàng năm, cộng thêm 300.000 CNY (43.000 USD) cho các tòa nhà.
Mo đã buộc phải chuyển vào vùng nông thôn để tránh khỏi ảnh hưởng của chương trình môi trường toàn quốc, trong đó hàng trăm nghìn trang trại lợn nhỏ và vừa bị đóng cửa và dỡ bỏ trên toàn quốc.
“Khoảng 160 con lợn của tôi đã chết và tôi bán 450 con còn lại khi chúng còn sống”, Mo nói, người đã bỏ việc tại nhà máy để bắt đầu nuôi lợn khoảng 30 năm trước. “Tôi phải tự đào hố chôn hàng chục con lợn mỗi ngày. Vợ tôi bạc tóc gần như sau một đêm”.
Mo nói ông có một khoản lợi nhuận sau khi bán lô gà đầu tiên vào tháng 9, nhưng đợt thứ 2 và 3 là thảm họa, với giá mua của bên trung gian giảm từ 18 CNY (2,50 USD) xuống còn 10 CNY (1,40 USD) mỗi kg.
“Gà con có giá 8 CNY (1,10 USD) mỗi con và chi phí cho ăn trung bình cho mỗi con là khoảng 16 CNY (2,30 USD). Tôi đã định bán chúng sau 65 ngày, nhưng tôi không thể bán 90 ngày sau đó. Tôi đã bán lỗ 10.000 con gà ngày hôm qua”, ông nói.
Ở thành phố Phật Sơn cách đó khoảng 70 km, Chen Chunhua, người mới chuyển sang nuôi gà cũng chịu cảnh mất mát tương tự và khó khăn về tài chính sau khi hơn một nửa số lợn của cô chết vào năm ngoái.
“Trái tim tôi tan nát khi phải chôn những con lợn nhiễm dịch của mình, chúng vẫn còn sống khi tôi chôn chúng. Tôi không thể ăn một vài ngày sau đó”, cô nói.
Chen đang ngoài 30, và giống hầu hết những người trẻ Trung Quốc khác, không muốn làm việc trong nhà máy vì mất tự do. Thay vào đó, cô thích nuôi gà trong trang trại lợn trước đây. Chen đã bán gần như tất cả số gà vào đầu tháng 12, chỉ giữ lại khoảng 30 trong số 40.000 con gà mà cô nuôi trong năm nay để ăn Tết Âm lịch vào cuối tháng 1.
Lật nhanh qua cuốn sổ tay cũ, cô tính đã mất khoảng 20.000 CNY (2.900 USD) - khoảng 20% tiền lương hàng năm của chồng cô, người làm tài xế xe tải cho một nhà máy gần đó.
“Bên trung gian chào giá 11,6 CNY (1,7 USD) mỗi kg vào ngày đầu tiên, nhưng ngày hôm sau khi anh ta đến chọn gà, giá đã giảm xuống còn 11,2 CNY (1,6 USD). Tôi đã khóc vì mất tiền”, cô nói.
“Loại gà này được bán với giá ít nhất 30 CNY (4,3 USD) mỗi kg trên thị trường. Chúng tôi buộc phải bán khi chúng dưới 4 kg, nếu không gà sẽ trở nên khó bán hơn”.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp giúp người chăn nuôi đối phó với ảnh hưởng của dịch lợn châu Phi, bao gồm trợ cấp, cho vay giá rẻ, bảo hiểm cho lợn, cũng như tăng diện tích đất để giúp đàn lợn phục hồi. Nhưng các nhà phân tích cho rằng sẽ mất nhiều năm để khôi phục đàn lợn của nước này.
Mo và vợ hy vọng có thể sớm nuôi lợn trở lại. Tuy nhiên, sau khi mất tiền tiết kiệm vào việc nuôi gà, 2 vợ chồng cho biết họ không còn đủ khả năng để mua heo con, đặc biệt khi giá đã tăng gấp 4 lần trong một năm rưỡi qua.
“Chúng tôi không còn gì để bắt đầu lại”, Mo nói.
Minh Ngọc (Theo SCMP)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.