VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 đứng ở mức 991,66 điểm, tương ứng tăng 4,39% so với cuối tháng 6, trong đó động lực tăng điểm của thị trường đến từ các cổ phiếu họ ‘Vin’ và một số cổ phiếu ngân hàng. Trong khi đó, do không có cổ phiếu trụ cột nào dẵn dắt nên HNX-Index tăng nhẹ 0,89 điểm lên 104,43 điểm.
Một nhân tố quan trọng giúp thị trường giao dịch tích cực thời gian qua đó là đến từ động lực của khối ngoại. Trong tháng 7, khối ngoại mua vào 325,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên cả ba sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM, tương ứng giá trị giao dịch đạt 15.356 tỷ đồng, trong khi bán ra 311,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá 12.936 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng gần 2.420 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, đẩy mạnh mua ròng 2.247 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt gần 7,3 triệu cổ phiếu, đây cũng là tháng thứ 11 liên tiếp khối ngoại mua ròng ở sàn HoSE với tổng giá trị lên đến gần 24.000 tỷ đồng.
Khối ngoại sàn HoSE trong tháng 7 mua ròng rất mạnh cổ phiếu
PLX với giá trị lên đến 1.266 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là
VCB với 435 tỷ đồng. Trong tháng 7,
PLX đã đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu quỹ nhằm đảm bảo nguồn vốn kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất. Phương thức thực hiện thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên HoSE. Thời gian giao dịch dự kiến từ 2/7 đến 31/7/2019.
VRE cũng được khối ngoại mua ròng gần 214 tỷ đồng. Các mã
CTD,
GAS,
KBC và
BID đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó,
HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 425,7 tỷ đồng.
VNM cũng bị bán ròng 202 tỷ đồng, đây cũng là hai mã hiếm hoi ở sàn HoSE bị khối ngoại bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Trái ngược với những gì diễn ra ở sàn HoSE, khối ngoại trên HNX tiếp tục bán ròng gần 170 tỷ đồng (gấp 9 lần tháng trước), tương ứng khối lượng bán ròng đạt 13,2 triệu cổ phiếu, với việc thiếu vắng động lực từ khối ngoại cũng có thể là nguyên nhân khiến HNX-Index không tăng quá mạnh ở tháng 7.
Khối ngoại trên HNX mua ròng tập trung mã
VCS với giá trị đạt 23,8 tỷ đồng. Đứng thứ hai về giá trị mua ròng sàn này là
SHB nhưng chỉ đạt 4,7 tỷ đồng. Trong khi đó,
PVS bị bán ròng mạnh nhất với 75,3 tỷ đồng.
CEO đứng sau với giá trị bán ròng là 73 tỷ đồng.
SHS và
NDN bị bán ròng lần lượt 14 tỷ đồng và 12,7 tỷ đồng.
Còn tại sàn UPCoM, khối ngoại có tháng mua ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị giảm 29% so với tháng 6 và đạt 173 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 6,7 triệu cổ phiếu. Sau 5 tháng vừa qua, khối ngoại sàn này cũng mua ròng tổng cộng 1.167 tỷ đồng.
QNS được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với giá trị đạt 94 tỷ đồng. Hai mã
VTP và
GVR được mua ròng lần lượt 50 tỷ đồng và 40,5 tỷ đồng. Trong khi đó,
ACV bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 31,6 tỷ đồng.
HND và
VEA cũng bị bán ròng lần lượt 17,7 tỷ đồng và 15,9 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng quyền có bảo đảm (CW), khối ngoại bán ròng trên 4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng gần 5 triệu chứng quyền. Trong đó, khối ngoại bán ròng chủ yếu hai CW của Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) là CVNM1901 và CHPG1902 với giá trị bán ròng lần lượt 3,3 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, CW CFPT1903 được mua ròng mạnh nhất với 520 triệu đồng.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.