Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ giúp giảm chi phí mua xe, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của người dân, từ đó khiến mảng kinh doanh xe ôtô trong nước của một số doanh nghiệp ghi nhận khá tích cực.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mảng ôtô lắp ráp trong nước được dự báo có kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý 3/2020.
Thậm chí, có doanh nghiệp lội “ngược dòng” thành công nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Công ty cổ phần Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco) - đơn vị duy nhất lắp ráp thương hiệu xe Mercedes-Benz tại Việt Nam - vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020 với kết quả tăng trưởng đầy bất ngờ.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất của Haxaco cho thấy doanh thu thuần đã đạt 1.741 tỷ đồng trong quý 3/2020, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2019.
Do giá vốn hàng bán chỉ tăng 28,6%, thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của Haxaco tăng tới 93% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm đáng kể so với quý 3/2019.
Kết quả, lợi nhuận kế toán trước thuế của Haxaco trong quý 3/2020 ghi nhận đạt 64 tỷ đồng, tăng vọt lên 253% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của công ty đạt 80 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ 2019.
Không chỉ riêng Haxaco, mảng kinh doanh xe ôtô sản xuất trong nước của một số doanh nghiệp ghi nhận khá tích cực trong thời gian gần đây. Nhất là kể từ sau ngày 28/6 khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 31/12/2020 chỉ bằng 50% mức thu trước đó có hiệu lực.
Quy định này giúp giảm chi phí mua xe, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đồng thời, giúp công ty phân phối bỏ những chính sách khuyến mãi ban hành trước đó, giúp doanh nghiệp giảm giá vốn hàng bán đáng kể.
Trong một báo cáo phân tích gần đây về Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết doanh số xe du lịch tiếp tục có sự phục hồi đáng kể trong tháng 9/2020.
Dựa theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, VCSC ước tính, doanh số bán lẻ xe du lịch của Việt Nam tăng 2% so với cùng kỳ trong tháng 9, nhưng giảm 19% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Mức tăng trưởng so với cùng kỳ của tháng 9 được cho là đến từ các mẫu xe mới và chương trình khuyến mãi từ các nhà sản xuất ôtô, bên cạnh nhu cầu ôtô phục hồi sau khi Việt Nam thành công kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 vào tháng 9.
Trong tháng 9, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) có diễn biến kinh doanh vượt trội hơn mức chung của toàn ngành với tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ nhờ các mẫu xe flagship như Kia Cerato (phân khúc C, xe lắp ráp trong nước), Mazda CX5 (phân khúc SUV, xe lắp ráp trong nước) và mẫu xe Kia Seltos mới (phân khúc SUV, xe lắp ráp trong nước).
Trong khi đó, tất cả các thương hiệu lớn khác ghi nhận tăng trưởng âm hoặc một chữ số so với cùng kỳ.
Các chuyên gia của VCSC cho rằng diễn biến kinh doanh mạnh mẽ của Thaco và Hyundai đến từ mức giá cạnh tranh và danh mục sản phẩm nhiều xe lắp ráp trong nước (CKD) vốn hưởng lợi từ mức cắt giảm phí trước bạ của Chính phủ từ 10-12% giá thành, xuống còn từ 5-6% cho dòng xe CKD mua trong 6 tháng cuối năm 2020.
Báo cáo triển vọng ngành ôtô 6 tháng cuối năm của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận định việc giảm 50% phí trước bạ sẽ giúp cả 2 nhóm doanh nghiệp chính trong ngành ôtô là sản xuất và phân phối xe ôtô đều được hưởng lợi.
Đối với nhóm sản xuất xe ôtô, Toyota Việt Nam là đơn vị trong 3 liên doanh của VEAM sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với chiến lược tập trung vào dòng xe lắp ráp trong nước với tỷ trọng 78% trong quý 1/2020 (năm 2019 ở mức 57%).
Kế đến là Vinfast của Tập đoàn Vingroup côtôàn bộ xe sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.
Riêng nhóm phân phối xe, ngoài Haxaco, BSC cho rằng Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ quy định giảm lệ phí trước bạ với các dòng xe lắp ráp trong nước của 3 hãng xe Toyota, Ford và Huyndai chiếm phần lớn khoảng 88% tổng doanh thu của công ty này năm 2019.
Ngoài chính sách giảm 50% phí trước bạ, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước còn được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện kể từ ngày 10/7/2020 khi Nghị định 57/NĐ-CP có hiệu lực. Điều này giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm từ 2-5% so với trước đó, giúp doanh nghiệp có dư địa để giảm giá bán thành phẩm, thúc đẩy nhu cầu.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 3-12/2020 cũng phần nào hỗ trợ duy trì dòng tiền của doanh nghiệp trong ngành này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù nhu cầu tiêu thụ ôtô vẫn đang chịu tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 mang lại khiến doanh số kinh doanh xe trong năm 2020 đều sụt giảm.
Tuy nhiên, nhờ vào các chính sách kích cầu trên của Chính phủ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ một phần được hồi phục trong những tháng cuối năm.
Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, ngành ôtô sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nhờ dư của địa ngành tại Việt Nam vẫn còn lớn, với tỷ lệ sở hữu xe mới đạt 2% hộ gia đình có xe, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Malaysia 82%, Thái Lan 51%, Philippines 6%).../.