Giá vàng giao ngay trong phiên sáng 27/7 vượt đỉnh lịch sử 1.921,17 USD/ounce thiết lập hồi năm 2011, có lúc chạm 1.930,8 USD/ounce
Giá vàng gần đây tăng mạnh trong bối cảnh chỉ số USD - đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền lớn - xuống thấp nhất hơn một năm, lãi suất thực âm tại Mỹ và kỳ vọng Fed duy trì chính sách hỗ trợ thị trường khi họp tuần này. Dòng tiền chảy vào các ETF vàng năm nay vượt kỷ lục hồi năm 2009, tổng khối lượng nắm giữ hiện hơn 3.300 tấn.
Giá vàng tương lai cũng lập kỷ lục, giao dịch ở 1.946,9 USD/ounce lúc 9h25 giờ Hà Nội. Hợp đồng giao tháng 12 vượt hợp đồng giao tháng 8 về số vị thế mở trong phiên 23/7, có lúc chạm 1.927,1 USD/ounce, vượt đỉnh 1.923,7 USD/ounce năm 2011.
Diễn biến giá vàng giao ngay sáng 27/7.
“Giá vàng tăng mạnh là điều khó tránh bởi chúng ta đang bước vào giai đoạn giống như thời hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Gavin Wendt, nhà phân tích cấp cao tại MineLife Pty nói, nhắc đến thời điểm USD cũng suy yếu, lãi suất thực âm.
Ngoài lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giá vàng còn nhận thêm lực đẩy từ căng thẳng địa chính trị gia tăng, lãi suất thực trên thế giới có xu hướng giảm, USD suy yếu, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước triển khai các gói kích thích khổng lồ.
Những yếu tố trên làm gia tăng nguy cơ suy thoái lạm phát - tình trạng tăng trưởng trì trệ và lạm phát tăng làm xói mòn giá trị các khoản đầu tư có thu nhập cố định. Tại Mỹ, dự báo của nhà đầu tư về lạm phát hàng năm trong thập kỷ tới trong 4 tháng qua có xu hướng tăng, sau khi giảm mạnh hồi tháng 3.
Nhiều nhà đầu tư lạc quan về triển vọng của vàng. Goldman Sachs cho rằng giá vàng có thể chạm 2.000 USD/ounce trong 12 tháng tới. Citigroup ước tính xác suất giá vàng vượt 2.000 USD trong năm nay là 30%.