-
Vietjet và Vietnam Airlines công bố khai thác lại các chuyến bay thương mại lần đầu tiên sau gần 6 tháng.
-
Tần suất khai thác 1 chuyến/tuần so với hàng trăm chuyến/tuần trước đây và nhu cầu trong dài hạn không cao do chưa áp dụng với khách du lịch.
Trái ngược với các thông báo trước về kế hoạch mở đường bay quốc tế từ 1/7 hay tăng tần suất trên các chặng bay nội địa sau đợt tái bùng phát ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tạm lắng xuống, các hãng hàng không nội dường như khá dè dặt sau khi chính thức được cho phép khai thác lại 6 đường bay quốc tế từ 15/9.
Hiện Vietnam Airlines mới chỉ thông báo mở lại đường bay Hà Nội - Narita (Tokyo) từ 18/9. Hãng này cũng chưa có thông báo cho các chặng bay được phép khai thác khác. Vietjet cũng vừa thông báo mở lại mạng bay quốc tế từ TP HCM – Narita (Tokyo), Incheon (Hàn Quốc) và Hà Nội – Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29/9 với tần suất 1 chuyến/chặng/tuần.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác với 6 địa bàn. Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế).
Còn Cục hàng không trước đó đưa ra phương án Vietnam Airlines/Pacific Airlines sẽ khai thác các chặng bay TP HCM - Quảng Châu/Đài Bắc (Trung Quốc)/Phnom Penh, Hà Nội - Tokyo/Seoul. Vietjet khai thác TP HCM - Tokyo/Seoul và Hà Nội/Đài Bắc (Trung Quốc). Số lượng khai thác là 1 chuyến/tuần trên mỗi chặng.
Việc ngừng bay quốc tế trong gần 6 tháng đã khiến số lượng các chuyến bay khai thác giảm nghiêm trọng. 8 tháng đầu năm 2020, tổng số các chuyến bay giảm 34,1% dù các hãng tăng cường bay nội địa để bù đắp cho sự thiếu hụt các đường bay quốc tế.
Việc mở cửa lại bầu trời cho thấy những tín hiệu tích cực với ngành hàng không sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhất là các đường bay tới Đông Bắc Á chiếm tần suất và lượng khách lớn nhất trong các đường bay quốc tế của hàng không Việt.
Các hãng hàng không được khai thác 6 đường bay quốc tế từ ngày 15/9 với tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần. Ảnh: VATM
Giá cổ phiếu Vietnam Airlines, Vietjet tăng nhẹ trước thông tin trên, trong khi cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - đơn vị khai thác 21 trên 22 sân bay - tăng hơn 10%. Trên 65% doanh thu của ACV đến từ khách quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyến bay được mở lại còn rất hạn chế. Đối với đường bay Tokyo (Nhật Bản), Vietnam Airlines được khai thác 1 chuyến/tuần/chiều so với mức trung bình 80 chuyến bay/tuần trên 11 đường bay tới Nhật Bản.
Vietjet được khai thác đường bay TP HCM – Seoul 1 lần/tuần trong khi trước dịch hãng bay với tần suất 2 chuyến/ngày. Vietjet được biết đến hãng hàng không Việt khai thác thị trường Hàn Quốc lớn nhất 11 đường bay và 480 chuyến bay/tháng.
Với phương án bay trên, dự kiến lượng hành khách nhập cảnh không quá 5.000 người/tuần. Trong khi năm 2019, trung bình khách đến Việt Nam là 275.000 người/tuần.
Bên cạnh đó, đối tượng được phép nhập cảnh trong các chuyến bay này là chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam và công dân Việt Nam có nhu cầu trở về nước, chưa áp dụng với khách du lịch nên dự kiến nhu cầu trong dài hạn còn khá khiêm tốn.
Hạn chế khác là hành khách phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay. Đối với những người có kết quả RT-PCR 2 lần âm tính sẽ được xem xét rút ngắn thời gian cách ly tập trung (từ 14 ngày xuống 5 ngày) nhưng sau đó vẫn phải tiếp tục tự cách ly tại nhà hoặc trụ sở cơ quan.
Đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc xét nghiệm, cách ly nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 tuy nhiên cũng khiến thời gian lưu trí kéo dài và chi phí tăng thêm. Vì vậy, nếu không phải những cá nhân có nhu cầu đến làm việc, học tập trong thời gian kéo dài sẽ hạn chế nhu cầu đi lại vì chỉ tính riêng thời gian cách ly tối thiểu cũng lên tới gần 20 ngày.