Quy mô tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng dù lợi suất thấp, theo SSI, cho thấy Vietcombank đang thừa thãi vốn và đang có chủ trương thận trọng tăng trưởng tài sản sinh lãi trong giai đoạn này. Điều này hàm ý rằng Vietcombank có rất nhiều dư địa để cải thiện lợi nhuận một khi các nguồn vốn nhàn rỗi này được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao hơn.
Vietcombank 'thừa vốn'
Nửa đầu năm 2020, biến động tài sản cũng như nguồn vốn ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có nhiều điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, sở dĩ Vietcombank đạt được tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân ngành là nhờ đẩy mạnh cho vay mua nhà.
Cụ thể, trong vòng 6 tháng, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 4,9%, cao hơn mức bình quân ngành là 3,5% so với đầu năm. Báo cáo cập nhật được Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây cho biết, động lực chính cho tăng trưởng tín dụng ở Vietcombank là các khoản vay mua nhà cá nhân với mức tăng 13,8% so với đầu năm, chiếm 25,2% trong tổng dư nợ. Hầu hết các khoản vay mua nhà là từ các dự án mới mở bán trên thị trường sơ cấp.
Thứ hai, Vietcombank đã thu hẹp đáng kể quy mô huy động - cho vay liên ngân hàng trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng ở mức cực thấp.
Cụ thể, quy mô vốn huy động từ các ngân hàng khác và chính phủ tại Vietcombank đã giảm 65% so với đầu năm, đồng thời ngân hàng cũng giảm 31% quy mô tài sản của mình tại các tổ chức tín dụng khác (các khoản cho vay, tiền gửi và đầu tư trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác phát hành). Quy mô hoạt động liên ngân hàng của Vietcombank chiếm khoảng 25,6% tổng tài sản trong năm 2019, đã giảm chỉ còn 18% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Không chỉ thu hẹp quy mô hoạt động liên ngân hàng, Vietcombank cũng thu hẹp quy mô đầu tư trái phiếu chính phủ (giảm 5,1%) do lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Thứ ba, tiền gửi vào Vietcombank tăng mạnh nhất trong số 4 ngân hàng quốc doanh.
Theo đó, tăng trưởng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2020 của Vietcombank đạt 5,5% so với đầu năm, sát với mức bình quân ngành, bất chấp Vietcombank đã giảm lãi suất tiền gửi 0,4-0,5 điểm% cho kỳ hạn dưới 13 tháng trong quý II/2020.
Theo quan điểm của SSI, việc người gửi tiền phần lớn vẫn chọn gửi tại Vietcombank cho thấy uy tín và sức mạnh huy động của ngân hàng này cao hơn so với các ngân hàng quốc doanh khác.
Một điểm khác cũng rất đáng chú ý là có tình trạng dư thừa vốn ở Vietcombank.
Nhóm chuyên gia của SSI cho biết Vietcombank có số dư tiền gửi cao kỷ lục tại Ngân hàng Nhà nước với quy mô 73 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,2% tổng tài sản cuối tháng 6/2020. Trong khi đó, lợi suất đối với tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 1%/năm đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền VND và 0%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng tiền VND, là mức rất thấp.
Quy mô tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng dù lợi suất thấp, theo SSI, cho thấy Vietcombank đang thừa thãi vốn và đang có chủ trương thận trọng tăng trưởng tài sản sinh lãi trong giai đoạn này. Điều này hàm ý rằng Vietcombank có rất nhiều dư địa để cải thiện lợi nhuận một khi các nguồn vốn nhàn rỗi này được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao hơn.
Mặc dù nguồn vốn dư thừa hàm chứa tiềm năng tăng trưởng nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam cho thấy khả năng phải sang năm 2021 đại dịch mới được kiểm soát, SSI đã đưa ra dự báo thận trọng về kết quả kinh doanh của Vietcombank trong năm 2020 và 2021.
Cụ thể, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Vietcombank sẽ ở mức 20.100 tỷ đồng, giảm 13,2% so với năm ngoái. Ước tính này được đưa ra dựa trên kịch bản tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 0,5% nhưng chi phí dự phòng rủi ro lại tăng tới 61,2%.
Đối với năm 2021, mức lợi nhuận dự báo ở mức 23.470 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng hoạt động cho vay mua nhà và bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) sẽ là 2 yếu tố giúp thúc đẩy thu nhập của Vietcombank trong hai năm tới.