Theo IEA, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, cùng với thời tiết bất thường đã khiến nhu cầu tiêu dùng điện trong năm ngoái tăng hơn 6%-mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/1 cho rằng thế giới có thể đối mặt với giá năng lượng và lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tăng cao thêm nhiều năm nữa nếu ngành điện không nhanh chóng chuyển đổi trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021.
Theo IEA, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, cùng với thời tiết bất thường đã khiến nhu cầu tiêu dùng điện trong năm ngoái tăng hơn 6%-mức tăng cao nhất kể từ năm 2010. Báo cáo thị trường điện được công bố sáu tháng một lần của IEA cho thấy nhu cầu sử dụng điện trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, tới hơn 1.500 terawatt/giờ.
Điều này đã đẩy giá năng lượng lên mức cao chưa từng thấy, trong khi lượng khí phát thải của ngành điện trong năm 2021 cũng tăng kỷ lục tới 7%, sau khi giảm trong hai năm trước đó.
Báo cáo chỉ ra thực tế là trong khi năng lượng tái tạo đạt mức tăng trưởng ấn tượng, thì sản lượng điện từ than và khí đốt tự nhiên cũng tăng lên mức kỷ lục.
IEA cho rằng nếu ngành điện không nhanh chóng thay đổi cơ cấu, nhu cầu điện tăng cao trong ba năm tới có thể khiến thị trường có thêm nhiều biến động và lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn sẽ duy trì ở mức cao.
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, để thế giới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đến năm 2030, lượng khí thải từ sản xuất điện cần phải giảm 55%. Nếu các chính phủ không có những hành động chính sách lớn, mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có thể vẫn duy trì ở mức cao hiện nay trong ba năm tới.
Theo ông, thực trạng này không chỉ cho thấy thế giới vẫn đang ở khá xa so với lộ trình đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, mà còn nhấn mạnh phải có những thay đổi lớn để ngành điện hoàn thành trọng trách trong việc giảm lượng phát thải carbon trong lĩnh vực năng lượng.
Giám đốc điều hành IEA cũng cảnh báo giá điện cao hiện đang gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới và có nguy cơ trở thành yếu tố dẫn đến căng thẳng chính trị và xã hội.
Năm 2021, Trung Quốc - quốc gia chiếm khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn cầu, phải đối mặt với tình trạng mất điện trên diện rộng do thiếu nguồn cung than.
Sau Trung Quốc, một nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Ấn Độ cũng gặp phải tình trạng tương tự. Nhu cầu năng lượng tăng cao trên quy mô toàn cầu đã đe dọa quá trình phục hồi kinh tế và gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu./.