Chứng khoán châu Á kéo dài đà giảm, trong bối cảnh tỷ giá USD với các đồng tiền tệ lớn bao gồm đồng yen tăng cao. Nhà đầu tư đang cân nhắc về rủi ro suy thoái và chính sách tiền tệ được thắt chặt.
Cụ thể, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch sáng ngày 12/10. Chỉ số Hang Seng Tech ở Trung Quốc giảm 3%, Shanghai Composite và Shenzen Component mất 0,94%. Chứng khoán Hong Kong đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua, dẫn đầu đà giảm là các công ty công nghệ. Chứng khoán Trung Quốc cũng rơi xuống đáy 6 tháng.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 và Topix lần lượt giảm 0,19% và 0,12%. Trong khi đó, đồng yen Nhật giao dịch ở mức 146 yen đổi 1 USD. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 đi ngang.
MSCI Asia-Pacific (không bao gồm Nhật Bản) giao dịch thấp hơn 0,93%. Chỉ số Kospi và Kosdaq của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,41% và 0,77%. NHTW Hàn Quốc (BoK) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, tương đương với dự đoán của thị trường. Đồng won giao dịch trao tay ở mức 1.435,307 đổi 1 USD.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều sau khi S&P 500 giảm 5 phiên liên tiếp. Nasdaq 100 chạm mức thấp nhất trong 2 năm.
Ở phiên giao dịch hôm 11/10, chỉ số S&P 500 giảm 0,65% đóng cửa ở mức 3.588,84 điểm sau khi chạm mức thấp nhất nhiều năm trong phiên. Nasdaq Composite giảm 1,10% xuống 10.426,19 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 36,31 điểm, tương đương 0,12%, đóng cửa ở mức 29.239,19 điểm.
Tâm lý e ngại rủi ro đã khiến đồng USD tăng giá và đồng yen tiếp tục suy yếu, dù trước đó NHTW Nhật Bản đã nỗ lực can thiệp để ổn định thị trường. Nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những đợt nâng lãi suất tiếp theo của Fed, trong khi BOJ lại duy trì việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn biến động sau những bình luận từ Thống đốc NHTW Anh – Andrew Bailey. Ông cho biết, BOE sẽ ngừng động thái hỗ trợ đặc biệt đối với thị trường. Bình luận này khiến nhà đầu tư càng thêm lo sợ vì những động thái cứng rắn của các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cũng cho biết chính sách tiền tệ cần tiếp tục được thắt chặt để “dập tắt” lạm phát.