Độ rộng khá hẹp trong phiên giao dịch sáng nay xác nhận áp lực điều chỉnh diễn ra khá phổ biến. Tuy vậy nhóm blue-chips kịp thời phục hồi giữ nhịp, giúp VN-Index vẫn tăng 2,68 điểm sau phần lớn thời gian đỏ. Nhóm dầu khí, chứng khoán nhiều mã giao dịch nổi bật, trong khi “hàng nóng” NVL, PDR, HPX biến động chóng mặt...
Nhóm cổ phiếu trụ vẫn tăng nhiều hơn giảm, đảm bảo giữ nhịp cho các chỉ số và ổn định tâm lý.
Độ rộng khá hẹp trong phiên giao dịch sáng nay xác nhận áp lực điều chỉnh diễn ra khá phổ biến. Tuy vậy nhóm blue-chips kịp thời phục hồi giữ nhịp, giúp VN-Index vẫn tăng 2,68 điểm sau phần lớn thời gian đỏ. Nhóm dầu khí, chứng khoán nhiều mã giao dịch nổi bật, trong khi “hàng nóng” NVL, PDR, HPX biến động chóng mặt.
Phiên xả hàng khá mạnh chiều qua ép giá cổ phiếu giảm la liệt. Áp lực này tiếp tục xuất hiện hôm nay nhưng cường độ có tín hiệu nhẹ đi. Nguyên nhân một phần là khả năng giữ nhịp thông qua chỉ số, làm giảm sức ép tâm lý.
VN-Index trồi sụt liên tục trong phiên sáng, dù độ rộng áp đảo từ phía giảm. Chỉ số giảm sâu nhất lúc 10h45, mất 0,53% so với tham chiếu. Tuy vậy thống kê mức giảm sâu nhất của cổ phiếu thành phần, có tới 260 mã chịu sức ép giảm từ 1% trở lên. Thậm chí các cổ phiếu đang trong xu hướng rất mạnh như HPX, PDR cũng có rung lắc mạnh. HPX bị xả xuống tận giá sàn thời điểm quanh 11h, nhưng về cuốihồi lại tăng 0,92%. PDR tạo đáy giảm 3,42%, trước khi quay ngược trở lại giá kịch trần.
Lý do giúp VN-Index điều chỉnh nhẹ nhàng là nhóm blue-chips giữ giá khá ổn định. Thời điểm cổ phiếu giảm giá nhiều nhất thì các trụ vẫn đứng vững: GAS không giảm, VCB rớt nhẹ 0,88%, VIC giảm khoảng 1,3%, VHM giảm 0,93%, VNM giảm 0,48%, BID giảm 0,12%, CTG giảm 0,38%, MSN giảm 0,6%... Các trụ này sau đó đều phục hồi sớm và chuyển tăng, bù đắp điểm số cho phía giảm. Đến hết phiên cũng chính nhóm này nâng đỡ là chủ yếu: GAS tăng 1,88%, VIC tăng 1,36%, CTG tăng 2,49%, VHM tăng 1,31%, BID tăng 1,28%...
GAS đại diện nhóm dầu khí là cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất. Các mã cùng nhóm như PVC tăng 5,83%, PVD tăng 5,23%, PVS tăng 4,33%, PVB tăng 4,2%. Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận nhiều blue-chips mạnh như VND tăng 3,08%, HCM tăng 1,67%, VCI tăng 1,7%, SSI tăng 1,37%....
VN-Index kết phiên sáng với độ rộng 131 mã tăng/274 mã giảm, trong đó 146 mã giảm từ 1% trở lên và 65 mã tăng từ 1% trở lên. Rõ ràng là sức ép giảm giá ở cổ phiếu vẫn đang chiếm ưu thế. VN30-Index tăng 0,42% với 16 mã tăng/10 mã giảm phản ánh rõ nét sức mạnh của các blue-chips trong mối tương quan với diễn biến tăng ở chỉ số.
VN-Index trồi sụt nhiều trong buổi sáng, nhưng cơ bản vẫn được giữ nhịp tốt.
Thị trường hạ nhiệt là điều bình thường sau tín hiệu chốt lời quá rõ hôm qua. Rất nhiều cổ phiếu đem lại lợi nhuận tốt trong hai tuần nay và đã đến lúc nhà đầu tư muốn hiện thực hóa. Tuy nhiên nếu như đây chỉ là một đợt chốt lời ngắn hạn thông thường thì áp lực bán sẽ nhẹ dần trong các phiên kế tiếp, khi những người muốn chốt lời nhất đã thoát hàng xong. Sáng nay thanh khoản giảm mạnh 24% trên hai sàn, chỉ đạt 7.009 tỷ đồng. HoSE giảm tới 30%, chỉ còn 6.246 tỷ đồng. Điều còn thiếu là số cổ phiếu giảm giá với biên độ rộng vẫn còn khá nhiều, nên thanh khoản thấp phần nào cho thấy sức mua bị giới hạn.
Điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang quan tâm đến cổ phiếu cụ thể nhiều hơn và những mã có dòng tiền mới vào tích cực thì giá diễn biến ổn định. Ví dụ HoSE sáng nay có 13 mã đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng, thì chỉ có 4 cổ phiếu giảm là VPB giảm 0,3%, DXG giảm 0,37%, HPG giảm 0,27% và NVL giảm 2,36%, còn lại đều tăng.
Dòng tiền từ khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng và tham gia đẩy giá ở khá nhiều mã. Tổng giá trị mua trên HoSE đạt 1.049,1 tỷ đồng, tương đương chiếm 15,4% tổng giao dịch của sàn. Mức bán ra là 577,7 tỷ, tương ứng mua ròng 471,3 tỷ đồng.
STB được khối ngoại mua khoảng 45% lượng giao dịch và giá trị mua ròng đạt 109 tỷ đồng, giá tăng tốt 4,1%. VHM được mua 87% khối lượng, mức mua ròng tương ứng 56 tỷ, giá đảo chiều thành công. HPG, SSI, VIC, CTG là các cổ phiếu được mua ròng trong khoảng 30-40 tỷ đồng. Phía bán ròng chỉ duy nhất PDR bị xả 58,5 tỷ là đáng kể. Tuy vậy lượng xả của khối ngoại chiếm chưa tới 9% thanh khoản của mã này và giá đảo ngược lên kịch trần cuối phiên.