Bên cạnh giá dầu cao, chính sách Zero COVID của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực tới sự hồi phục của ngành hàng không do Trung Quốc chiếm đến 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước dịch.
Tại báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2022, Công ty chứng khoán VNDIRECT đã đưa ra dự báo về sự phục hồi của ngành hàng không trong thời gian tới.
Theo VNDIRECT, hàng không nội địa đã hồi phục mạnh mẽ kể từ quý 2/2022 với sản lượng tăng 183,9% so với cùng kỳ, giúp lượng khách nội địa nửa đầu 2022 tăng 52,6% so với cùng kỳ, đạt 38,9 triệu. Theo IATA, Việt Nam đứng đầu về mức độ phục hồi trên thế giới với lượng khách nội địa đã phục hồi về mức 106% trước dịch.
Lượng khách quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch trong năm 2024 (Ảnh minh họa)
VNDIRECT lưu ý rằng, giao thông hàng không trong nửa cuối 2021 có mức thấp do dịch bệnh bùng phát mạnh trên toàn quốc. Theo đà phục hồi, VNDIRECT kỳ vọng lượng khách nội địa có thể tăng 160,4% so với cùng kỳ trong năm 2022, sau đó tiếp tục tăng mạnh 15,8% so với cùng kỳ trong năm 2023 trước khi tăng trưởng giảm còn 8,9%/9,3% so với cùng kỳ trong năm 2024-25.
Đối với hàng không quốc tế, mặc dù chứng kiến mức độ phục hồi ấn tượng trong nửa đầu năm 2022 tuy nhiên, con đường phục hồi của hàng không quốc tế còn nhiều chông gai do phụ thuộc vào điều kiện nhập cảnh của quốc gia đến.
“Hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ hạn chế hoặc sẽ gỡ bỏ trong thời gian tới, tuy nhiên yếu tố tiêu cực nhất tác động tới phục hồi du lịch Việt Nam hiện tại là chính sách Zero COVID của Trung Quốc, theo đó việc du lịch từ/đến quốc gia này đang bị hạn chế”, báo cáo VNDIRECT cho biết.
Theo kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng đường hàng không giữa Việt Nam và Đông Nam Á sẽ phục hồi kể từ quý 2/2022 do quảng bá du lịch đang được triển khai, theo sau là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ trong quý 3/2022, Đài Loan và Nga trong quý 4/2022 và Trung Quốc trong quý 1/2023.
“Theo kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế thông quan có thể đạt 12,2 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021), và có thể tăng 222,5%/11,7% so với cùng kỳ trong năm 2023-24. Lượng khách quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch trong năm 2024 (đạt 105% của năm 2019) và có thể đạt 119,2% trong năm 2025”, VNDIRECT dự báo.
Hai rủi ro có thể ảnh hưởng đến triển vọng ngành hàng không được VNDIRECT chỉ ra là giá nhiên liệu duy trì ở mức cao trong 2022-2023 và bất ổn từ chiến lược Zero COVID của Trung Quốc. Theo VNDIRECT, trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ thắt chặt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm tình hình tệ thêm, khiến giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ 2008. Do đó, có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến giá dầu duy trì ở mức cao. Giá dầu cao hơn dự kiến khiến giá vé máy bay cao hơn và giảm nhu cầu đi lại đường không.
“Chính sách Zero-COVID của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của ngành hàng không do Trung Quốc chiếm đến 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước dịch. Khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách này, chúng tôi cho rằng quan hệ du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó phục hồi được về mức trước dịch”, báo cáo của VNDIRECT nêu.
Với kỳ vọng hàng không quốc tế phục hồi, VNDIRECT cho rằng, kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ hàng không sẽ phục hồi với lợi nhuận dương trong năm nay và tăng trưởng mạnh trong năm 2023 khi khách quốc tế phục hồi mạnh.
Tăng trưởng kép sản lượng hàng hóa hàng không đến 2030 có thể đạt 10,9%
Không chỉ ảnh hưởng giá nhiên liệu, rủi ro địa chính trị cũng cản trở lưu thông hàng hóa hàng không. Cụ thể, việc cấm vận Nga khiến hoạt động sản xuất toàn cầu bị đứt gãy, bằng chứng là số đơn đặt hàng đã giảm tính đến thời điểm hiện tại ở Đức, Nhật, Hàn Quốc. Số đơn đặt hàng của Trung Quốc xuống dưới 50 điểm do dịch COVID bùng phát ở nước này.
Sản lượng hàng hóa hàng không và giao thương toàn cầu đều giảm cho thấy hàng hóa có giá trị cao, trọng lượng thấp có xu hướng vận chuyển bằng đường không đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những sự kiện gần đây.
CAAV ước tính tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông quan của Việt Nam có thể chậm lại trong nửa sau 2022 khiến tăng trưởng cả năm chỉ đạt 5% so với cùng kỳ dù 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 30,6% so với cùng kỳ. Do bất ổn về địa chính trị, lạm phát và lãi suất tăng có thể khiến hoạt động sản xuất bị thu hẹp và ở Việt Nam, Samsung vừa tạm ngừng các đơn mua sắm mới và yêu cầu các nhà cung cấp giảm sản lượng linh kiện do tồn kho tăng cao và lo ngại về lạm phát.
Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường hàng hóa hàng không Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng với mục tiêu trở thành “công xưởng lớn” của chính phủ. CAAV ước tính tăng trưởng kép sản lượng hàng hóa hàng không 2022-2030 đạt 10,9%.