Thị trường bất động sản Khánh Hoà đang sôi động trở lại, trong quý II/2022, tổng giá trị giao dịch khoảng gần 8.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ.
Giao dịch "khủng" trong quý II
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà cho biết, trong quý II/2022, thị trường bất động sản địa phương đã có chuyển biến tích cực với tổng giá trị giao dịch khoảng gần 8.000 tỷ đồng.
Trong đó, có 1 dự án đủ điều kiện bán là công trình nhà ở thấp tầng thuộc Nhà ở liên kế khu phức hợp Nghỉ dưỡng và Giải trí KN Paradise gồm 1.321 căn nhà ở liền kề.
Ngoài ra, toàn tỉnh đang có 10 dự án nhà ở thương mại với khoảng 4.796 căn. Trong đó, có 9 dự án đang triển khai với 3.475 căn, một dự án hình thành trong tương lai với 1.321 căn.
Khánh Hòa còn có 3 dự án nhà ở thu nhập thấp khu đô thị đang triển khai với 1.490 căn. Cùng với đó, 26 dự án du lịch nghỉ dưỡng với 12.149 căn hộ du lịch và 2.588 biệt thự du lịch đang triển khai.
Đáng chú ý, lượng giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa chủ yếu ở phân khúc đất nền. Cụ thể, chung cư có 168 giao dịch, nhà ở riêng lẻ có 760 giao dịch, đất nền có tới 7.742 giao dịch. Tổng giá trị giao dịch hơn 7.820 tỷ đồng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà, bên cạnh đồ án Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND tỉnh đang triển khai lập nhiều quy hoạch lớn nên các nhà đầu tư bất động sản nhộn nhịp đổ bộ đến xin đầu tư dự án. Việc ngành du lịch đón khách quốc tế trở lại cũng được xem là lực đẩy cho thị trường bất động sản trong năm 2022.
Thị trường bất động sản Khánh Hoà đã có chuyển biến tích cực với tổng giá trị giao dịch khoảng gần 8.000 tỷ đồng trong quý II/2022. Ảnh: Thiên Thiên
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai lập cùng lúc 3 đồ án quy hoạch lớn bao gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Chưa hết, thị trường bất động sản có chuyển biến cực từ việc Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai và đưa dự án vào khai thác.
Cùng với đó, nhiều dự án bất động sản đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng. Dự kiến, trong quý III/2022, tình hình bất động sản sẽ trở nên sôi động hơn.
"Với những hiệu ứng tích cực nêu trên, thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới được dự đoán sẽ có những tiến triển tốt hơn", Sở Xây dựng Khánh Hoà thông tin.
Nhiều tiềm năng phát triển
Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa Phan Việt Hoàng tin tưởng thị trường bất động sản của tỉnh trong thời gian tới sẽ có những tiến triển tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho rằng, giá nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh cũng kéo theo sự tăng giá nguyên vật liệu dùng cho ngành xây dựng và sửa chữa nhà ở.
"Tại Việt Nam, nhiều chi phí đầu vào liên quan cũng đã tăng giá góp phần làm tăng giá bất động sản, sự tăng giá bất động sản không hoàn toàn mang tính chất đầu cơ mà vẫn có những yếu tố nội tại khác liên quan của kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính", ông Hoàng nói.
Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội… Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đây chính là căn cứ thực tiễn để Khánh Hòa đề xuất với Trung ương một số chính sách đặc thù phát triển địa phương.
Vừa qua, các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy tỉnh Khánh Hòa phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội…
"Việc phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh sẽ giúp tỉnh sớm đạt mục tiêu xây dựng Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị", ông Hoàng thông tin.
Theo ông Hoàng, thời gian tới, TP. Nha Trang vẫn là đô thị hạt nhân trọng tâm của phát triển và thể hiện vai trò liên kết vùng để phát triển nhiều dự án tại huyện Diên Khánh, Vân Phong, bắc bán đảo Cam Ranh và Cam Lâm trong định hướng thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030.
Mới đây, Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII vừa ban hành với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, nêu rõ năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Cùng với đó, Trung ương yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất để thị trường bất động sản, trong đó, có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả và tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong thời gian tới.
"Cùng với hiệu lực 5 năm (có khả năng bắt đầu từ ngày 1/8) của các cơ chế đặc thù mà tỉnh Khánh Hòa được hưởng, địa phương sẽ là miền đất hứa và là thung lũng silicon mới của giới đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài", ông Hoàng chia sẻ.