Nhu cầu thuê văn phòng ở TP.HCM tăng, đặc biệt là văn phòng hạng A, hạng B, do sự tăng trưởng số lượng thành lập doanh nghiệp mới trong nước và sự mở rộng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế phục hồi ấn tượng sau dịch, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM đạt gần 2,2 tỷ USD, các doanh nghiệp thành lập mới, khôi phục hoạt động tăng. Do đó nhu cầu thuê văn phòng cũng tăng theo.
Nhu cầu thuê văn phòng ở TP.HCM đang tăng
Cụ thể, báo cáo quý 2 của Cushman & Wakefield cho thấy, dù nhu cầu tăng nhưng giá thuê văn phòng tại TP.HCM tương đối ổn định. Giá thuê trung bình đối với hạng A, hạng B lần lượt là 59,9 USD/m2/tháng và 34 USD/m2/tháng, tăng 1,9% và 1,2% theo năm.
Khu Nam đang nổi lên như một trung tâm văn phòng mới với sự hoàn thiện liên tục của các tòa nhà hạng B tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Vừa qua tòa Cobi Tower I&II tại quận 7, đã hoàn thành và bổ sung thêm 27.000 m2 nguồn cung mới cho thị trường.
Tổng nguồn cung văn phòng hạng A, B tại TP.HCM đạt lần lượt là 315.000 m2 và 1.113.000 m2, tăng 4,7% theo năm.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “nhu cầu thuê văn phòng tại TP.HCM đang tăng, đặc biệt là văn phòng hạng A và hạng B, do sự tăng trưởng số lượng thành lập doanh nghiệp mới trong nước và sự mở rộng của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Một đặc điểm mà đa số các doanh nghiệp kỳ vọng là có một không gian văn phòng chất lượng, tầm nhìn bao quát và ở vị trí trung tâm để khẳng định vị thế cũng như thu hút khách hàng và nhân tài.
Tuy nhiên, thị trường văn phòng TP.HCM liên tục trong 5 năm vừa qua không có nguồn hạng A mới, số dự án chuẩn bị ra mắt trong 2 năm tới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như dự án The Hallmark (dự kiến bàn giao cuối năm 2022) hay The Sun Tower (dự kiến bàn giao năm 2023).
Tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng diễn ra tương tự với phân khúc hạng trung khi chỉ có một vài tòa nhà được hoàn thiện và đã chào thuê là CMC Creative Space (quận 7), Pearl 5 (quận 3).
Nhu cầu thuê với mục đích dịch chuyển văn phòng chiếm 70%, mở rộng chiếm 26% trên tổng các giao dịch cho thuê trong 6 tháng đầu năm.
Các ngành nghề thuê văn phòng nhiều nhất là: phát triển phần mềm (21.67%), logistics (18.61%) và thương mại điện tử / Fintech (13.09%).
Trong đó, với những khách thuê để chuyển văn phòng chủ yếu hướng đến khu trung tâm quận 1 hoặc rìa trung tâm.
Một khảo sát khác của Cushman & Wakefield cho thấy, đa số nhân viên văn phòng ở Châu Á Thái Bình Dương mong muốn được linh hoạt hơn trong cách làm việc, trong đó có Việt Nam. Mô hình làm việc kết hợp đang nổi lên sau dịch.
Văn phòng kết hợp khá giống với văn phòng linh hoạt, với nhiều loại không gian khác nhau như bàn làm việc tự chọn, không gian làm việc chung, buồng họp 1 người... phục vụ cho lịch làm việc linh hoạt của tất cả các phòng ban.
Mô hình này hoàn toàn khác với văn phòng truyền thống với bàn làm việc chỉ định, có vách ngăn và tách riêng không gian cho từng bộ phận.
Xu hướng làm việc kết hợp sẽ tăng tốc khi thế hệ Z (sinh từ 1997 đến 2012) bắt đầu chiếm tỷ lệ lớn hơn trong dân số ở độ tuổi lao động. Đến năm 2030, thế hệ Z sẽ chiếm tới gần 1 tỷ người toàn cầu và chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động.
Thế hệ này là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với thế giới kỹ thuật số ngay từ lúc chào đời, vì thế họ cũng thoải mái dịch chuyển liên tục giữa không gian thật và kỹ thuật số. Do đó, trong vòng vài năm nữa, giới trẻ Gen Z sẽ là nhân tố hình thành xu hướng chính trong văn phòng tương lai.
Dù có nhiều thay đổi về hành vi và thói quen người sử dụng văn phòng trong hai năm qua, thị trường văn phòng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nửa đầu năm 2022 vẫn phục hồi và tăng trưởng liên tục.