Các ngân hàng đầu tư dự kiến Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tăng lãi suất chính sách qua đêm (OPR) lên ít nhất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
Đây được coi là động thái tiếp bước quyết định trước đó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 27/7 vừa qua.
Trong một thông báo đưa ra cùng ngày, Ngân hàng Đầu tư Kenanga Bhd bày tỏ hy vọng Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ và tăng lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp còn lại của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) trong năm nay. MPC dự kiến họp vào các ngày 7-8/9 và 2-3/11.
Ngân hàng đầu tư cho biết, động thái mạnh mẽ của Fed và nỗi ám ảnh về việc kiềm chế lạm phát cho thấy rằng Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh để duy trì tăng trưởng.
Đối với Malaysia, nhóm ngân hàng đầu tư cũng lưu ý rằng áp lực lạm phát đang gia tăng. Trong tháng 6/2022, lạm phát của nước này ghi nhận mức tăng "nóng" hơn dự kiến là 3,4% so với 2,8% vào tháng Năm. Mức tăng trên chủ yếu do nhu cầu bị dồn nén và chi tiêu do du lịch tăng mạnh, sau khi nước này mở cửa trở lại biên giới quốc tế và coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư Hong Leong (HLIB Research) vẫn duy trì kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tăng OPR thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp MPC vào tháng Chín, rồi kết thúc năm với OPR ở mức 2,5% so với mức 2,25% hiện tại.
Ngày 6/7, Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) đã tăng lãi suất chính sách qua đêm thêm 25 điểm cơ bản lên 2,25% tại cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) trong năm nay.
Đánh giá về năng lực hoạt động của hệ thống ngân hàng Malayisa, RAM Ratings - cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn nhất ở Malaysia và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - cho biết, hệ thống ngân hàng Malaysia có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả trong năm 2023 mặc dù các điều kiện trong nước và quốc tế có nhiều bất ổn hơn./.