Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 3/7 cho biết nước này sẽ cung cấp thêm 34 xe bọc thép cho Ukraine và cấm nhập khẩu vàng của Nga, theo tin từ Reuters...
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở thủ đô Ukraine, ông Albanese cũng thông báo Australia sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm đi lại với 16 bộ trưởng và nhà tài phiệt của Nga, nâng tổng số cá nhân Nga bị nước này trừng phạt lên 843 người.
“Australia sẽ hỗ trợ quân sự trị giá hàng trăm triệu USD cho Ukraine”, ông Albanese phát biểu, nhưng không tiết lộ số tiền cụ thể.
Ảnh minh họa: Getty Images
Thủ tướng Australia cho biết nước này sẽ cung cấp thêm các thiết bị quân sự theo yêu cầu của Ukraine, bao gồm 14 tàu sân bay bọc thép chở quân, 20 xe bọc thép Bushmaster và một số máy bay không người lái.
Tại họp báo, ông Zelenskyy nói rằng Australia đã dành cho Ukraine "khoản viện trợ đáng kể, đặc biệt là hỗ trợ quốc phòng" và lực lượng Ukraine "đánh giá cao" xe bọc thép Bushmaster của Australia.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese - Ảnh: Reuters
Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Đức vào cuối tháng trước, các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã thảo luận về các phương thức mới để trừng phạt Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin do cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời cố gắng hạn chế sự ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu nhiều áp lực.
Sau thượng đỉnh G7, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ thông báo đang thực hiện các cam kết của G7 bằng cách cấm nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Liên bang Nga, có hiệu lực ngay lập tức.
"Như đã thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Mỹ đang tham gia cấm vàng của Nga - mặt hàng xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của quốc gia này, cùng với Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản", thông cáo của OFAC nói. “Theo đó, việc nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Liên bang Nga vào Mỹ bị cấm, ngoại trừ trong phạm vi luật pháp hoặc trừ khi được OFAC cấp phép hoặc cho phép. Quyết định này không bao gồm vàng có nguồn gốc từ Liên bang Nga được đặt bên ngoài Liên bang Nga trước ngày hôm nay".
Kể từ khi Moscow phát động chiến tranh ở Ukraine hôm 24/2, vàng Nga bị nhiều thị trường từ chối. Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA), cơ quan quản lý thị trường lớn nhất và lâu đời nhất thế giới về giao dịch vàng và bạc vật chất, đã đình chỉ giao dịch của tất cả sáu công ty khai thác và tinh chế vàng của Nga vào ngày 7/3.
Nga là một trong những quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới, cùng với Trung Quốc và Australia. Theo Bộ Tài chính Nga, năm ngoái, nước này khai thác 314 tấn vàng, chiếm gần 10% tổng lượng vàng khai thác trên toàn cầu. Số vàng này trị giá khoảng 19 tỷ USD theo giá hiện tại.
Các hãng khai thác vàng của Nga chủ yến bán vàng cho các ngân hàng thương mại trong nước, sau đó số vàng này thường được bán cho Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hoặc xuất khẩu.
Những năm gần đây, phần lớn vàng khai thác tại Nga được xuất khẩu sang Anh – trung tâm giao dịch và lưu trữ vàng thỏi lớn nhất thế giới. Dữ liệu từ hải quan Anh cho thấy nước này nhập khẩu 15,2 tỷ USD vàng Nga trong năm ngoái. Từ Anh, vàng được tái xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, Nga cũng xuất khẩu vàng sang các quốc gia gồm Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan.
Theo một số nhà phân tích, việc các nước phương Tây cấm vàng Nga có thể tạo ra cơ hội mua vàng giá rẻ cho Ấn Độ.
“Đây sẽ là cơ hội để xem liệu vàng có thể được bán bằng đồng Rúp giống như dầu thô hay không. Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ có thể mua được vàng với giá giảm sâu”, ông Megh Mody, nhà phân tích nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại công ty môi giới Prabhudas Lilladher - có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ, nhận định.
Ấn Độ là nước nhập khẩu vàng lớn thứ hai của Nga, sau Trung Quốc. Từ khi chiến tranh nổ ra và các nước phương Tây áp cấm vận với dầu thô Nga, Ấn Độ đã tranh thủ mua một lượng lớn dầu của Nga với mức giá rẻ đáng kể so với giá thị trường.