Dựa trên các tình tiết, chứng cứ lời khai, Hội đồng xét xử đã kết luận cơ quan tố tụng truy tố tội danh của các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở, dựa trên các chứng cứ xác thực.
Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Trong hai ngày 29 và 30/8, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 6 bị cáo về các tội danh: “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận.
Các bị cáo gồm Lê Xuân Phương (51 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn thiết kế xây dựng Việt Lê) bị xét xử về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại khoản 2, Điều 364 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bị cáo Nguyễn Lân (60 tuổi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và thương mại Trúc Lâm), Lưu Quốc Phong (43 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Thành Việt) bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bị cáo Nguyễn Châu Khoa (43 tuổi, Giám đốc) và Trần Lê Anh Khoa (43 tuổi, Phó Giám đốc) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư xây dựng Trùng Dương); Nguyễn Phú Cường (33 tuổi, nhân viên Phòng Kế hoạch-Kỹ thuật của Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận) cùng bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn từ năm 2015-2017, Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận đã ký hợp đồng với các công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện năm gói thầu thi công mở rộng hệ thống cấp cấp nước trên địa bàn tỉnh.
Thời điểm này, Lê Xuân Phương có quen biết ông Nguyễn Đức Cảm là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, phụ trách mảng xây dựng cơ bản. Phương đã nhờ ông Cảm giúp đỡ để nhận được các gói thầu mở rộng công trình cấp nước và hứa trích % chi cho ông Cảm.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Cảm biết công ty của Phương không đủ năng lực thi công, để đủ điều kiện nhận thầu nên đã đưa cho Phương bản photo bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành cấp nước của một người khác để Phương bổ sung vào hồ sơ năng lực.
Nhờ đó, công ty của Phương đã trúng ba gói thầu. Sau khi được thanh toán tiền, Phương đã đưa cho ông Cảm gần 223 triệu đồng, tương ứng với 4% giá trị quyết toán trước thuế mỗi công trình.
Với hành vi trên, ông Nguyễn Đức Cảm bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ.” Tuy nhiên, trong quá trình điều tra bổ sung, ông Cảm mất do bị bệnh nên Cơ quan điều tra đã ra Quyết định đình chỉ điều tra, không đề cập xử lý trách nhiệm hình sự với người này.
Bị cáo Lê Xuân Phương tại phiên chất vấn. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Sau khi nhận hợp đồng thi công các gói thầu xây dựng hệ thống nước, các nhà thầu thi công đã thực hiện hành vi gian dối nâng khống khối lượng hoàn thành trong hồ sơ nghiệm thu và đề nghị thanh toán rồi chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận. Cụ thể, Lê Xuân Phương chiếm đoạt trên 578 triệu đồng, Nguyễn Lân trên 182 triệu đồng và Lưu Quốc Phong trên 110 triệu đồng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Nguyễn Châu Khoa với vai trò là Tổ trưởng tổ tư vấn quản lý dự án đã thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức quản lý chất lượng, khối lượng công trình. Trần Lê Anh Khoa với vai trò Giám sát chính đã thiếu trách nhiệm trong việc giám sát thi công công trình theo hợp đồng.
Điều đáng nói, Nguyễn Châu Khoa không tổ chức nghiệm thu, đồng thời cùng với Trần Lê Anh Khoa không trực tiếp tham gia nghiệm thu nhưng vẫn ký hợp thức hồ sơ nghiệm thu và ký các báo cáo trước khi quyết toán thể hiện công trình đạt chất lượng, khối lượng theo thiết kế và chấp thuận nghiệm thu.
Hành vi của Nguyễn Châu Khoa và Trần Lê Anh Khoa đã tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công chiếm đoạt tiền và làm cho Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận thanh toán sai, bị thiệt hại với tổng số tiền trong năm gói thầu là trên 908 triệu đồng.
Đối với Nguyễn Phú Cường, được phân công giám sát của chủ đầu tư đối với hai công trình hệ thống cấp nước, tuy không tham gia nghiệm thu nhưng Cường vẫn ký hợp thức vào hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Cường phát hiện việc thi công không đúng thiết kế nhưng không báo cho lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận biết để xử lý mà còn ký vào hồ sơ nghiệm thu quyết toán.
Hành vi của Cường đã tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công chiếm đoạt tiền và làm cho Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận thanh toán sai, bị thiệt hại với tổng số tiền trong hai gói thầu là trên 304 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, các bị can và những người liên quan đã thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp tiền cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả. Cụ thể: Nguyễn Đức Cảm nộp 222 triệu, Lê Xuân Phương nộp 100 triệu, Đàng Quang Võ nộp 50 triệu, Nguyễn Lân nộp trên 182 triệu, Lưu Quốc Phong nộp trên 110 triệu, Nguyễn Châu Khoa nộp trên 18,5 triệu và Trần Lê Anh Khoa nộp gần 88 triệu đồng.
Tại phiên xét xử, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải. Tuy nhiên, khi đứng trước tòa, bị cáo Lê Xuân Phương lại cho rằng bản thân không phạm vào tội danh “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Bị cáo này phủ nhận việc đưa hối lộ cho ông Nguyễn Đức Cảm. Bị cáo cho biết do có quen biết ông Cảm từ lâu nên có hỗ trợ tiền uống càphê, tiền xăng xe cho ông Cảm trong lúc khó khăn với số tiền khoảng 20 triệu đồng chứ không liên quan đến việc nhận ba gói thầu tại Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chất vấn ông Phạm Hồng Châu (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) về trách nhiệm của người đứng đầu Công ty trong việc phê duyệt kết quả trúng thầu, trách nhiệm giám sát, ký duyệt chi cho các doanh nghiệp thi công năm gói thầu mở rộng hệ thống cấp nước trên địa bàn.
Ông Châu cho biết, Công ty đã phân công cho Phó Giám đốc Nguyễn Đức Cảm cùng những người liên quan giám sát và thực hiện việc nghiệm thu các gói thầu nói trên.
Vì thế, việc để xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước thuộc về trách nhiệm của cấp dưới chứ bản thân ông không biết, không liên quan. Lý giải việc ký duyệt thanh toán cho các nhà thầu, ông Châu cho biết ông ký dựa trên cơ sở các hồ sơ đề nghị thanh toán có đầy đủ các thủ tục theo quy định.
Dựa trên các tình tiết, chứng cứ lời khai, bản tường trình của ông Lê Xuân Phương, bản khai của ông Nguyễn Đức Cảm, lời khai của các bị cáo cũng như phiên đối chất của đại diện Viện Kiểm sát với luật sư, Hội đồng xét xử đã kết luận cơ quan tố tụng truy tố tội danh của các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở, dựa trên các chứng cứ xác thực. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến tài sản của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị ở địa phương nên cần phải xử nghiêm minh.
Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Phương 1 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” tổng hai hình phạt là 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Lân 12 tháng tù (thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án) và Lưu Quốc Phong 12 tháng tù (thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,” ba bị cáo Trần Lê Anh Khoa nhận mức án 15 tháng tù (thời hạn tù từ tính từ ngày bắt thi hành án); bị cáo Nguyễn Châu Khoa 12 tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Phú Cường 12 tháng cải tạo không giam giữ.
Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Lê Xuân Phương trả lại cho Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận số tiền bị chiếm đoạt còn lại (trên 358 triệu đồng).
Trong vụ án này, ngoài việc điều tra và xử lý đối với các sai phạm liên quan đến thi công công trình nước, Cơ quan điều tra còn thụ lý giải quyết vụ việc liên quan đến xác định giá bán nước sạch và mua sắm vật tư của Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận. Cơ quan điều tra đã tách ra và thụ lý giải quyết riêng vụ việc./.