Việt Nam không ở “ngoài lề” cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. Tuy nhiên, phát triển xe điện Việt Nam vẫn còn nút thắt cần giải quyết để có thể "phi nước đại".
Cần tổ hợp chính sách, lộ trình cụ thể
Có thể thấy, năm 2021 ngành công nghiệp xe điện Việt Nam đã có những dấu ấn phát triển mạnh mẽ nhất định, song để thị trường phát triển hơn nữa, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, từ sự đa dạng lựa chọn các mẫu xe điện cho người tiêu dùng, đến việc xây dựng hệ thống trạm sạc hợp lý và các quyết sách khuyến khích, phát triển ngành công nghiệp này.
Các chuyên gia dự đoán, thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu có các chính sách khuyến khích phù hợp
Với Việt Nam, để phổ cập xe điện thì giá xe là bài toán các nhà sản xuất cần tính tới. Xe điện đang phát triển rất mạnh tại nhiều quốc gia, nhất là tại Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Cùng sự thay đổi công nghệ, giá thành sản xuất xe điện đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn cao hơn tương đối nếu so với xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Hiện, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Giá xe điện hiện vẫn ở ngưỡng cao so với xe xăng, dầu. Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2020, giá xe điện (chỉ tính chi phí sản xuất thuần) cao hơn khoảng 45% so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Cùng với công nghệ sản xuất pin ngày càng tốt và rẻ hơn thì tới năm 2030, giá xe điện có giảm song vẫn cao hơn 9-10% xe chạy xăng, dầu.
Trong khí đó, xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, ở mức 15%, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu thông thường (35-50%). Chính phủ đang đề xuất giảm 5-12 điểm phần trăm thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện chạy pin trong 5 năm đầu sau khi sửa luật có hiệu lực. Từ năm thứ 6 trở đi sẽ tăng thuế suất với cả xe nhập khẩu, sản xuất trong nước.
Nhưng khi giá của xe điện vẫn cao hơn so với dòng xe tương tự chạy xăng, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là chưa đủ để đưa giá loại xe này về ngưỡng dễ chịu hơn để "hút" người tiêu dùng.
Theo giới chuyên gia, sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ cho phát triển xe điện là rất cần thiết. Đại diện VAMA, ông Đào Công Quyết- Trưởng tiểu ban Truyền thông cho rằng, ít nhất trong 10 năm đầu Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí để kích cầu và có chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc nhanh, trạm sạc tại nhà... Các ưu đãi này sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo khi xe điện đã có thị phần nhất định trên thị trường. Từ sau năm 2050, xe điện sẽ không cần các chính sách hỗ trợ riêng.
"Trong giai đoạn đầu (2021-2030), do hạ tầng của Việt Nam còn thiếu, chính sách hỗ trợ xe điện nên ưu tiên cho dòng xe PHEV (xe lai điện, có thể sạc được điện từ bên ngoài cho pin) để có sự chuyển đổi hài hoà sang xe điện thuần (BEV)"- ông Đào Công Quyết nhận xét.
Còn theo ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.
Thứ nhất, mức thu nhập trung bình thấp. Thứ hai, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc. Thứ ba, phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế. Thứ tư, chính sách ưu đãi đối với ô tô điện. Thứ năm, cơ cấu nguồn điện, tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện. "Hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…" - ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra.
Những đề xuất trên đều nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất, phát triển ô tô chạy pin, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Giá ô tô điện hiện vẫn có phần cao hơn so với giá ô tô chạy xăng, dầu song dự kiến, mức giá sẽ ngày càng giảm nhờ sự tiến bộ của công nghệ và pin xe điện. Các chuyên gia dự đoán, thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu có các chính sách khuyến khích phù hợp.
Cần coi việc phát triển xe điện là một kế hoạch quốc gia
Trước những rào cản trên, VAMA đề xuất 3 kịch bản cho xe điện hóa tại Việt Nam. Kịch bản nhanh bắt đầu từ năm 2025 và sẽ đạt 100%, tức tất cả các xe bán ra thị trường đều là xe điện hóa vào năm 2035. Kịch bản trung bình sẽ từ năm 2025 và đạt 100% vào năm 2045. Còn kịch bản cơ bản từ năm 2025 và đạt 100% vào năm 2050. Trong đó, mốc 2045 được cho là thời điểm vàng theo mục tiêu Đảng và Chính phủ đề ra là Việt Nam trở thành nước phát triển.
Đưa ra giải pháp về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế và số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin), trong đó chính sách đóng vai trò quan trọng.
Trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia về cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng xe điện, ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận, việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường. “Việc phát triển ngành công nghiệp xe điện phải phù hợp với tình hình phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện như hệ thống trạm sạc điện. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp điện sạch cho các trạm sạc. Phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện..." - ông Phạm Tuấn Anh nêu giải pháp.
Đi vào giải pháp và lộ trình cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, giải pháp về thuế, áp dụng thuế suất BEV và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) ở mức thấp nhất.
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và PHEV sẽ ở mức cao hơn so với xe BEV và FCEV và áp dụng theo lộ trình giữ nguyên như hiện tại và tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEV và PHEV.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển, mua bán, chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Nhà nước cần ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí, trang thiết bị, công suất các trạm sạc và sự cân bằng với mạng lưới điện cục bộ và lưới điện quốc gia. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cần quy định cụ thể số lượng xe điện trong các khoảng thời gian để đảm bảo quá trình chuyển tiếp phù hợp của ngành công nghiệp ô tô.
"Phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo nếu không có thể sẽ thành áp đặt và chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ như chúng ta sẽ hài hóa với sự phát triển của công nghiệp ô tô nói chung, trong đó khi thay đổi sản xuất thì cũng phải thay đổi đến làm chủ công nghệ, công nghệ sản xuất pin và cung ứng linh kiện", ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải nhận định.
Liên quan đến chính sách phát triển ô tô điện trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển ô tô điện.
Ông thông tin, ở Mỹ, ngoài khoản miễn thuế, nhiều tiểu bang còn áp dụng các ưu đãi như đỗ xe miễn phí, đi vào làn đường có mật độ cao. Chính phủ còn cam kết tài trợ cho doanh nghiệp lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng các trạm sạc. Các mẫu ô tô điện bán ra tại Mỹ cũng được trợ giá cho đến khi hãng sản xuất đạt được doanh số nhất định.
Hay như tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã ban hành kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới từ năm 2012, coi việc phát triển xe điện là một kế hoạch quốc gia. Vì thế, nhà sản xuất và người dùng ô tô điện được hưởng rất nhiều hỗ trợ, trong đó có các khoản trợ cấp cho nhà sản xuất, hỗ trợ để xây trạm sạc… Người dùng tại đây, ngoài được giảm giá xe còn được ưu đãi phí làm biển số, miễn phí khi đi cao tốc hay đẩy nhanh thời gian đăng ký xe…
“Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển ô tô điện tại Việt Nam thì phải có thêm nhiều biệt đãi để người tiêu dùng thấy có nhiều lợi ích khi mua xe điện. Ví dụ, ô tô điện được ưu tiên dừng đỗ xe, di chuyển vào những tuyến đường nội đô bị hạn chế, miễn phí khi vào cao tốc, trạm thu phí… Phía Chính phủ, các địa phương cũng cần hỗ trợ đất để xây dựng trạm sạc, diện tích đủ để xe điện có thể dừng, đậu sạc pin”- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Có cùng quan điểm, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, chính sách sẽ là đòn bẩy quyết định tới ngành công nghiệp xe điện của Việt Nam.
Để ô tô điện có thể tiếp cận nhanh chóng với người dùng hơn, Chính phủ cần có những chính sách trợ cấp cho việc mua bán xe điện theo cả diện công lẫn tư. Việc này không chỉ giải quyết được bài toán các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường mà còn có thể kích cầu được sức mua bán trên thị trường. “Việt Nam cần nhìn vào thực tế khi ngày càng có nhiều quốc gia đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển xe điện, hướng tới đưa đây thành phương thức giao thông của tương lai”- ông Phúc đưa ra khuyến nghị.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho rằng, hiện đang có một số chính sách thuế dành cho xe điện như ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, thuế sản xuất - lắp ráp, thuế thu nhập doanh nghiệp … Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách nữa khi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã xác định các dòng xe thân thiện với môi trường sẽ được khuyến khích sản xuất.
Với những thực trạng và giải pháp nêu trên, ngành công nghiệp xe điện cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể khắc phục được những điểm yếu trong chuỗi cung ứng. Thay đổi nhận thức cũng như hành vi khi tham gia hoạt động giao thông vận tải của mỗi cá nhân chính là chìa khóa để quá trình này diễn ra một cách thuận lợi và xe điện thực sự trở thành phương tiện giao thông “xanh” như mong đợi. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu đến năm 2050 sử dụng 100% xe điện tại Việt Nam và cam kết COP26.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với một trong các trọng tâm là phát triển các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.