Chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố cơ bản như nguồn nhân lực, năng suất lao động và nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh để có thể hưởng lợi từ xu hướng tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều cú sốc lớn.
Những cú sốc lớn với nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nhưng những tháng đầu năm nay đã chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế đáng kể so với cuối năm ngoái.
Điều này phản ánh môi trường bên ngoài khó khăn tác động đến xuất khẩu và môi trường lãi suất đầy thách thức, dẫn đến những vấn đề về tỷ giá hối đoái.
Nhận định này được ông Jonathan Ashworth, Kinh tế trưởng của tổ chức ACCA toàn cầu, đưa ra trong đánh giá về kinh tế Việt Nam thuộc khuôn khổ diễn đàn Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế do Kiểm toán Nhà nước tổ chức mới đây.
Trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá rằng, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine gay gắt, gần đây xảy ra xung đột tại Dải Gaza.
Cùng với đó, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát neo ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh.
Không chỉ vậy, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Chính nhận định nền kinh tế vẫn còn những hạn chế.
Về trung hạn, Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng triển vọng kinh tế tích cực. Tuy nhiên, nhiều yếu tố phụ thuộc vào vận may của nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn.
Ông Jonathan Ashworth, Kinh tế trưởng của tổ chức ACCA toàn cầu
Đơn cử, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.
Về trung hạn, vị kinh tế trưởng của tổ chức ACCA toàn cầu cho rằng Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng triển vọng kinh tế tích cực.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố phụ thuộc vào vận may của nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, đặc biệt là Mỹ, khu vực đồng Euro và sự phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài Mỹ, vận may của kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này đã cho thấy sự suy yếu đáng kể trong năm nay.
Việt Nam phải làm gì?
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam tháng trước khuyến nghị, sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.
Trong trung hạn, theo Ngân hàng Thế giới trong báo cáo hồi tháng 8, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chẳng hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu bằng cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh. Thuế carbon và các công cụ tài khóa khác, nếu được triển khai, có thể khuyến khích các ngành công nghiệp giảm phát thải carbon, và áp dụng các biện pháp bền vững hơn.
Ông Jonathan Ashworth nhận định, một số thay đổi và thách thức địa chính trị hiện nay có thể mang lại cơ hội đáng kể cho một số quốc gia hưởng lợi từ việc tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu của họ.
Điều quan trọng đối với Việt Nam là duy trì mở cửa thương mại và giao lưu giữa các nước, bao gồm tham gia các khối thương mại tự do trong khả năng có thể, tiếp tục tự do hóa chính sách thương mại theo thời gian, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm và thị trường cuối.
Cùng với đó, Việt Nam cần duy trì quan hệ kinh tế và chính trị tốt đẹp với các cường quốc địa chính trị lớn.
Điều quan trọng nữa là Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố cơ bản.
Giống như tất cả các thị trường mới nổi, Việt Nam cần có một hệ thống pháp luật vững chắc và có thể dự đoán được, đồng thời, duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô lành mạnh, đơn cử như lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính mạnh mẽ, gánh nặng nợ công có thể quản lý được.
Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục phổ thông, trình độ nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ giúp thúc đẩy đầu tư nước ngoài hơn nữa.
Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam di chuyển lên các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc tiếp tục cải cách và tự do hóa các ngành dịch vụ để thúc đẩy năng suất cũng là điều quan trọng đối với Việt Nam để đạt được hiệu suất tương đương với các nước cùng đẳng cấp như Indonesia.
Không chỉ vậy, chuyển sang nền kinh tế xanh hơn đối với Việt Nam rõ ràng sẽ mang lại những lợi ích xã hội và môi trường trong nước lớn.
Đồng thời, trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong các hàng hóa và công nghệ cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi có thể có những lợi ích kinh tế to lớn cho đất nước.
“Nhìn chung, những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt chắc chắn là đáng kể trong những năm và thập kỷ tới. Nhưng với chính sách hợp lý và sẵn sàng tiến hành cải cách và nắm bắt cơ hội, Việt Nam có thể tự bảo vệ mình khỏi một số vấn đề và thực sự hưởng lợi từ một số thay đổi lớn”, vị chuyên gia của ACCA toàn cầu nhấn mạnh.