• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,11 +0,14/+0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,11   +0,14/+0,01%  |   HNX-INDEX   223,57   +0,48/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,35   +0,39/+0,42%  |   VN30   1.301,52   +0,46/+0,04%  |   HNX30   475,60   +1,33/+0,28%
29 Tháng Mười Một 2024 5:43:29 SA - Mở cửa
Làm gì để hàng Việt thâm nhập sâu hơn ở những thị trường tiềm năng?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 01/11/2023 8:54:43 SA

Để hàng Việt thâm nhập sâu vào những thị trường tiềm năng như ở Châu Phi, thị trường Halal hay Ấn Độ cũng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không phải là điều dễ dàng. Đòi hỏi các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, thâm nhập một cách hợp lý để đạt được các tiêu chuẩn mà những thị trường này đặt ra.

Mới đây, ở một hội thảo kết nối giao thương trực tuyến Việt Nam-Algeria, ông Kamel Hamenni, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Algeria (CACI) đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp (DN) Palais du Café, một công ty chuyên nhập khẩu và rang xay cà phê, cho biết ông đang nhập khẩu cà phê thô của Việt Nam nhưng chủ yếu qua trung gian Châu Âu.

Vẫn chờ khai thác “mỏ vàng” hàng tỷ USD

Nguyên nhân của việc nhập cà phê Việt qua trung gian, như lý giải của ông Hamenni, đó là do nhiều công ty xuất khẩu (XK) cà phê của Việt Nam chưa cung cấp hàng theo giá trên sàn giao dịch quốc tế.

Việc thường xuyên kết nối giao thương, tiếp cận các nhà thu mua quốc tế sẽ giúp hàng Việt có cơ hội thâm nhập vào những thị trường tiềm năng.

Băn khoăn của vị chủ tịch CACI là điều mà các nhà XK cà phê của Việt Nam cần suy ngẫm để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng như Algeria. Bên cạnh đó, các nhà XK cần lưu ý là Algeria chủ trương hạn chế nhập khẩu hàng thành phẩm, khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu để phát triển sản xuất trong nước.

Chính vì vậy, ông Hamenni đã kêu gọi các DN Việt Nam đầu tư sản xuất hoặc chế biến tại Algeria để tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AFCFTA) mà nước này là thành viên. Theo đó, nếu hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa 40% tại Algeria sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi thâm nhập 53 nước châu Phi khác với thị trường 1,4 tỷ người và tổng GDP là 2.500 tỷ USD.  

Hoặc như tại diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 31/10, thông tin đưa ra cho thấy, thị trường Halal (thị trường phục vụ người tiêu dùng theo Hồi giáo trên toàn cầu) là thị trường XK tiềm năng với doanh thu tiêu dùng dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. 

Tuy nhiên, dù Việt Nam có lợi thế lớn với thị trường Halal ở ASEAN nhưng vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường này (với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người). Bởi lẽ, mỗi năm, ở trong nước chỉ có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm với sản lượng chưa nhiều.

Với mong muốn hỗ trợ các DN ở Tp.HCM thâm nhập sâu vào thị trường Halal ở ASEAN, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, Thành phố đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất - tiêu dùng xanh, XK bền vững. 

Ngoài ra, theo ông Hoan, việc tăng số lượng các DN đạt tiêu chuẩn XK Halal là rất quan trọng. Không những vậy, Tp.HCM  đã và đang tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi… 

Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM (FFA), cho rằng điều trước tiên mà các DN Việt cần làm để XK vào thị trường Halal là sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận Halal. Vấn đề tiếp đến mà DN nên làm là tìm cách thâm nhập thị trường. 

Theo ông Hiến, điều đó đòi hỏi việc nhận thức đúng và đầy đủ của DN Việt về thị trường Halal và có sự chuẩn bị tốt để không bỏ lỡ cơ hội do thị trường này đem lại.

Cần hiểu chính xác về thị trường

Có thể thấy, việc các DN Việt mong muốn khai phá thị trường Algeria, thị trường Halal hay các thị trường mới tiềm năng khác không phải là điều dễ dàng, kể cả đối với những DN có nguồn lực mạnh.

Giới chuyên gia cho rằng các DN Việt cần xem xét kỹ quy mô ở những thị trường tiềm năng, xem đây là bước cực kỳ quan trọng trong quá trình thâm nhập. Một loạt câu hỏi cần được DN đưa ra: Thị trường tiềm năng này có đủ lớn và hấp dẫn, có đặt ra các tiêu chuẩn bắt buộc gì hay không? Có nên phát triển các sản phẩm mới ở thị trường tiềm năng? Có nên rót vốn đầu tư chế biến ở thị trường tiềm năng hay không?...

Và một khi các DN Việt hiểu chính xác về thị trường tiềm năng thì họ sẽ có lợi thế đáng kể để có thể đưa hàng Việt thâm nhập sâu hơn. 

Chẳng hạn XK vào thị trường tiềm năng với hơn 1 tỷ dân như Ấn Độ đang đặt ra không ít vấn đề về tiêu chuẩn mà các DN Việt cần lưu tâm để thâm nhập tốt hơn. Đơn cử như Giấy chứng nhận tiêu chuẩn do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ (chứng nhận BIS) là giấy chứng nhận bắt buộc phải có đối với nhà sản xuất trong và ngoài Ấn Độ để sản phẩm được phân phối, tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ.

Danh sách các mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận BIS ngày càng được mở rộng ra nhiều loại hàng hóa như hóa chất, đồ chơi, thép, giầy dép, lốp xe, sợi tổng hợp... Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam đang XK sang Ấn Độ. Thông thường, giấy chứng nhận được cấp lần đầu trong vòng 1-2 năm và sau đó có thể xem xét cho gia hạn với thời gian là 5 năm.

Tuy vậy, thời gian gần đây một số DN của Việt Nam dù đã hoàn tất việc nộp hồ sơ theo yêu cầu từ phía Ấn Độ, nhưng vẫn không nhận được chứng nhận BIS của Ấn Độ để tiếp tục hoạt động XK sang thị trường này. Chính vì vậy, trong tháng 10/2023, Bộ Công Thương đã phải thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN Việt Nam trong xin cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận BIS.

Hay như việc XK vào những thị trường tiềm năng trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng còn không ít thách thức. Như chia sẻ của bà Tạ Thu Hà – Phó Trưởng Phòng châu Mỹ thuộc Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), bên cạnh mặt thuận lợi mà các FTA mang lại thì DN xuất khẩu cũng phải đối diện với những quy định phi thuế quan ngặt nghèo từ những thị trường này, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đơn cử như CPTPP.

Theo bà Hà, trong CPTPP hiện đáng chú ý là việc siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Những quy định chặt chẽ sẽ tạo ra trở ngại lớn đối với khả năng đáp ứng của DN, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của hàng Việt XK vào các thị trường này.

Nhìn chung, điều quan trọng để hàng Việt tiến sâu vào những thị trường tiềm năng đang đòi hỏi ở các DN cần đạt các tiêu chuẩn và tuân thủ những quy định liên quan nhằm đảm bảo thích ứng tốt nhất. Song song đó, các DN cần xây dựng chiến lược dài hạn và hợp lý để thâm nhập tốt hơn nữa.

Thế Vinh