Thống kê cho thấy, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tại châu Âu tăng với con số trung bình 3%, kéo dài từ năm 2024-2028. Phía EU chạy chương trình quảng bá hải sản của họ với tiêu chí bền vững, chất lượng, đảm bảo môi trường, điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.
Đà ‘lao dốc’ chậm hơn
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, gam tối đã phủ bóng lên bức tranh toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”. Xuất khẩu thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm.
Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu dự báo sẽ gặp phải nhiều khó khăn.
Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.
Tuy nhiên, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu ngành hàng này. Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như: Cá ngừ, tôm, cá tra.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.
Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết tin vui là một số ngành hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh như cá tuyết, cá thu, minh thái, cá chim, nước mắm, cá đuối…
“Nhìn vào hiểu ngay một nửa những ngành hàng trên thuộc về gia công xuất khẩu cho các “ông chủ” ở thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Do họ không có cơ sở chế biến nên gửi luồng hàng lớn về cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc đẩy mạnh gia công thuỷ sản giúp doanh nghiệp xoay dòng vốn nhanh, tạo giá trị gia tăng”, ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, thách thức trong các mặt hàng – còn được gọi là trong câu lạc bộ tỷ đô như tôm, cá tra, cá ngừ còn lớn, đặc biệt là cạnh tranh với các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, muốn cạnh tranh các ngành hàng trên cần phải đẩy mạnh chế biến.
Rủi ro cảnh báo chất lượng
Đáng lo ngại hơn, ở thị trường châu Âu, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết mỗi người dân tiêu thụ khoảng 8,1kg/năm. Song Việt Nam đang là quốc gia có giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU giảm mạnh nhất, với con số 32% trong 8 tháng 2023.
Nguyên nhân, ngoài việc cạnh tranh với các đối thủ ở trên, thủy sản Việt Nam còn phải cạnh tranh với thủy sản tại châu Âu. Thống kê cho thấy, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tại châu Âu tăng với con số trung bình 3%, kéo dài từ năm 2024-2028.
“Phía EU chạy chương trình quảng bá hải sản của họ với tiêu chí hàng bền vững, chất lượng, đảm bảo môi trường, điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, ông Quân cho biết. Đặc biệt, trong bối cảnh thủy sản Việt Nam vẫn còn bị cảnh báo về chất lượng ở thị trường EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga, thủy sản vẫn là một trong những ngành hàng có giao thương ổn định giữa hai nước. Tuy năm 2023, kim ngạch thương mại toàn ngành của Việt Nam sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố, nhưng Nga vẫn duy trì nhập khẩu số lượng tương đối lớn đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Nguyên nhân chính làm xuất khẩu thủy sản sang Nga giảm là do kim ngạch xuất khẩu hàng tôm giảm do phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ (cá ngừ, cá tra ổn định - tăng, cá khô giảm nhẹ). Ngoài ra, việc đồng rúp mất giá cùng sản lượng thủy sản của Liên bang Nga tăng cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
“Chưa kể, tôm đông lạnh Việt Nam không cạnh tranh được với Ấn Độ, Ecuador, cũng như vừa qua có 8 doanh nghiệp thủy sản bị đình chỉ xuất khẩu sang Nga vì không đáp ứng được yêu cầu phía bạn”, vị đại diện Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết.
Với tình hình kinh tế đang hồi phục và phát triển, tiêu thụ thủy sản nhiệt đới của Liên Bang Nga sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm thực phẩm tại Nga (WorldFood Moscow, PeterFood, Prodexpo) để giới thiệu sản phẩm tới các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối và người tiêu dùng Nga... đồng thời cũng có thể gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của nước bạn để tìm hiểu, trao đổi về nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thương vụ cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Liên Bang Nga về chất lượng hàng xuất khẩu; tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin cập nhật liên quan đến các quy định kiểm dịch, an toàn vệ sinh đối với mặt hàng này, nhằm đảm bảo hàng xuất khẩu đạt chất lượng theo quy định.
Thy Lê