Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh trở lại, nhưng hiện có không ít địa phương báo cáo không đúng, không đủ về tình hình dịch bệnh, còn tình trạng "mơ mơ, màng màng". Thậm chí, nhiều địa phương còn tâm lý e ngại tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng tái phát phức tạp. Trong 10 tháng năm nay, cả nước xảy ra 481 ổ dịch tại 22 tỉnh, thành phố, phải tiêu hủy hơn 18.000 con lợn. Nhiều tỉnh dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng như Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Đắk Lắk... Hiện cả nước còn 107 xã ở 23 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.
Cục Thú y nhận định nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do chăn nuôi nông hộ của nước ta vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra nhức nhối ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi…
Nhiều địa phương đang còn tâm lý e ngại tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Theo Cục Thú y, đến nay Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023 nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, hiện có không ít địa phương báo cáo không đúng, không đủ về tình hình dịch tả lợn châu Phi, còn tình trạng "mơ mơ, màng màng".
Theo ông Long, nếu các địa phương tổng hợp, nắm tình hình dịch bệnh không sát thì không thể phòng chống hiệu quả được. "Cục Thú y đã cảnh báo rất nhiều loại vi rút mầm bệnh nguy hiểm lưu hành và khuyến cáo sử dụng vắc xin rất cụ thể nhưng nhiều địa phương không sử dụng để dịch bệnh xảy ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi", ông Long nói.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.
Xuân Phong