Ngày 13/7, cuộc đình công làm tê liệt các cảng dọc bờ biển miền Tây Canada đã kết thúc sau khi nhân viên cảng và giới chủ doanh nghiệp đạt được thỏa thuận về tăng lương.
Các thành viên Nghiệp đoàn Liên minh Dịch vụ công Canada (PSAC) tham gia đình công yêu cầu tăng lương, tại Kingston, Canada, ngày 19/4/2023. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 13/7, cuộc đình công làm tê liệt các cảng dọc bờ biển miền Tây Canada, trong đó có cảng ở thành phố Vancouver, đã kết thúc sau khi nhân viên cảng và giới chủ doanh nghiệp đạt được thỏa thuận về tăng lương.
Hơn 7.000 nhân viên tại 30 cảng của Canada đã đồng loạt đình công từ ngày 1/7, sau 1 tháng đàm phán không thành công giữa Liên minh kho bãi và bờ biển quốc tế (ILWU) của Canada và Hiệp hội doanh nghiệp sử dụng lao động hàng hải Bristish Columbia (BCMEA). Tự động hóa, chi phí sinh hoạt gia tăng và việc sử dụng nguồn lực bên ngoài để thực hiện công việc là những vấn đề chính dẫn tới cuộc đình công do ILWU tiến hành.
Trong một thông báo chung, ILWU và BCMEA cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hợp đồng mới có thời hạn 4 năm. Thỏa thuận sẽ được cả hai bên phê chuẩn. Chi tiết của thỏa thuận không được công bố vào thời điểm này.
Cuộc đình công tác động đến hoạt động kinh tế khắp Canada, khiến một số ngành, trong đó có ngành sản xuất ô tô, kêu gọi chính phủ liên bang can thiệp giải quyết khủng hoảng. Ủy ban thương mại vùng Greater Vancouver ước tính cuộc đình công đã làm gián đoạn hoạt động thương mại cảng trị giá 9,7 tỷ CAD (7,4 tỷ USD).
Trước đó, BCMEA cho biết trong năm 2020, các cảng bờ biển phía Tây Canada xử lý tổng cộng 16% lượng hàng hóa thương mại đất nước. Riêng cảng Vancouver mỗi năm xử lý lượng hàng hóa trị giá khoảng 305 tỷ CAD và hàng năm đóng góp 11,9 tỷ CAD cho sản lượng quốc gia.
Người đứng đầu Ủy ban thương mại vùng Greater Vancouver, bà Bridgitte Andersonm, cho rằng sẽ mất một thời gian để hoạt động vận chuyển hàng hóa và kinh tế khôi phục hoàn toàn. Bà nhấn mạnh trước mắt cần tái xây dựng danh tiếng của các cảng tại Canada như đối tác thương mại ổn định và đảm bảo tương lai phục hồi và ổn định của chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Thương mại Canada, bà Perrin Beatty, hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận, nhấn mạnh kinh tế Canada đã bị thiệt hại nghiêm trọng trong 13 ngày đình công. Bà Beatty cho rằng qua sự kiện trên, Chính phủ Canada cần tăng cường các biện pháp sẵn có để đảm bảo sự ổn định về nhân lực đối với các cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng quan trọng của Canada./.