Chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ (bao gồm các dự án thành phần là Cảng nhập, kho LNG Sơn Mỹ, nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và nhà máy điện Sơn Mỹ 2). Tiến độ tổng thể của Chuỗi dự án được xây dựng trên nguyên tắc các dự án thành phần được triển khai đồng bộ và dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 2026 - 2030. Tương tự, Chuỗi dự án khí - điện Thị Vải có Cảng và kho LNG Thị Vải, cùng nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4. Tiến độ của Cảng và kho LNG Thị Vải đi vào hoạt động từ quý 3 năm 2023.
Về dự án Cảng và kho LNG Sơn Mỹ:
Dự án Cảng nhập và kho LNG Sơn Mỹ do Công ty TNHH LNG Sơn Mỹ làm chủ đầu tư. Trong đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV
GAS) đóng góp 61% và AES của Hoa Kỳ đóng góp 39%.
Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng kho, cảng khoảng 3,6 triệu tấn/năm (gồm cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 216.000 m3, đê chắn sóng và 2 bồn sức chứa 160.000 m3, hệ thống hóa hơi, tái hóa khí...). Còn giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 6 triệu tấn/năm.
Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 1,35 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1,31 tỷ USD và giai đoạn 2 rất thấp (khoảng 40 triệu USD).
Cập nhật tình hình thực hiện dự án Kho, cảng nhập LNG Sơn Mỹ: Ngày 12/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận về quy hoạch vị trí cảng của dự án Kho, cảng LNG Sơn Mỹ. Tiếp đến, ngày 11/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu đối với dự án này.
Về Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án, Công ty TNHH LNG Sơn Mỹ đang thực hiện cập nhật để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến FS sẽ hoàn thành, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong quý 3/2023.
Với FS của các dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, hiện đang trong quá trình thẩm định để phê duyệt. Theo Quy hoạch điện VIII, các dự án này dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2026 - 2030.
Chúng ta cũng biết rằng: Chuỗi Cảng, kho LNG, nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và 2 đã được phê duyệt từ Quy hoạch điện VII (đưa vào năm 2018 - 2019), sau đó Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) lùi tiến độ sang năm 2023. Nó cho thấy tầm nhìn của Chính phủ về tính chất quan trọng của Chuỗi dự án LNG này, nhằm từng bước bổ sung, thay thế nguồn khí trong nước đang cạn dần, không đủ cấp cho các nhà máy điện khí tại khu vực Đông Nam bộ. Một trong các nguyên nhân là biến động giá LNG tăng cao trong giai đoạn trước năm 2016 và gần đây là năm 2022, Chuỗi dự án này đã phải lùi sang giai đoạn 2026 - 2030 (theo Quy hoạch điện VIII).
Tiến độ tổng thể của Chuỗi dự án khí, điện Sơn Mỹ 2 được xây dựng trên nguyên tắc các dự án thành phần được triển khai đồng bộ và dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 2026 - 2030.
Về dự án kho, cảng nhập LNG Thị Vải:
Dự án Cảng nhập và kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải do PV
GAS làm chủ đầu tư, có quy mô công suất từ 1 - 3 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư là khoảng 285,8 triệu USD.
Ngày 30/7/2023 vừa qua, dự án đã hoàn thành công tác chạy thử và hiện đang vận hành cấp khí cho các hộ tiêu thụ thấp áp. Ngày 25/8/2023, Bộ Công Thuơng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình.
Giai đoạn 2 của dự án này dự kiến sẽ nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm (phù hợp với tiến độ các nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, cũng như việc xác định các hộ tiêu thụ chính khác cho dự án này).
Kho cảng LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam bộ vào vận hành từ tháng 7/2023, với công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm và đang triển khai giai đoạn 2 nâng công suất lên 3 - 5 triệu tấn/năm vào năm 2026.
Đối với dự án điện sử dụng nhiên liệu từ kho, cảng nhập LNG Thị Vải - Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4: Theo hợp đồng EPC, tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể ước đạt 35,7%/42,8%, chậm khoảng 7,1% so với kế hoạch. Trong đó, tiến độ thiết kế ước đạt 77,1%/83,8% (chậm 6,7%). Mua sắm, chế tạo ước đạt 47,1%/53% (chậm 5,9%). Thi công xây lắp đạt 9,2%/21,6% (chậm 12,4%).
Hợp đồng mua bán điện (PPA), Hợp đồng mua bán khí (GSA) đã hoàn thành đàm phán, chờ thủ tục phê duyệt để ký kết. Với hợp đồng thu xếp vốn, hiện PV Power đang triển khai thực hiện khoản vay 4.000 tỷ đồng từ Vietcombank. Còn với dự án đường dây truyền tải của EVN hiện đang chậm so với tiến độ do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những khó khăn, vướng mắc trong dự án Nhơn Trạch 3 và 4 hiện nay là do cơ chế, chính sách trong công tác đàm phán PPA, GSA - đặc thù của chuỗi dự án khí, điện LNG (khối lượng bao tiêu khí, sản lượng điện - Qc, công suất tối đa - Tmax…) ảnh hưởng đến công tác thu xếp vốn, tính khả thi và hiệu quả của dự án. Hiện PVPower và EVN chưa hoàn tất đàm phán và ký PPA do chưa thống nhất được Qc.
Mặt khác, mức phí vay vốn từ nguồn vốn tín dụng xuất khẩu (ECA) cao, cũng như khoản bảo hiểm vốn vay làm chi phí tài chính tăng cao có thể vượt mức trần lãi suất do dự án không có bảo lãnh của Chính phủ.
Để tháo gỡ những bế tắc nêu trên, Chính phủ cần sớm xem xét cho phép Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 được áp dụng sản lượng điện hợp đồng (Qc) dài hạn bình quân nhiều năm sử dụng trong tính giá điện đảm bảo hiệu quả đầu tư và dòng tiền trả nợ của dự án./.