Trong 3 quý của năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu Hữu Nghị - cửa khẩu đường bộ lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 336,34 tỷ NDT (khoảng 47,3 tỷ USD), tăng 15,6%.
Cảng container ở Trung Quốc. (Ảnh: AFFP/TTXVN)
Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, trong 3 quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 5.090 tỷ NDT (khoảng 715,7 tỷ USD), tăng 9,4%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3.020 tỷ NDT (khoảng 424,6 tỷ USD), tăng 12,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2.070 tỷ NDT (khoảng 291 tỷ USD), tăng 5,4%.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Vương Lệnh Tuấn (Wang Lingjun) cho biết, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tiếp tục xu hướng phát triển tốt chủ yếu là do các yếu tố sau:
Trước hết, thị trường rộng lớn của cả hai bên cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của thương mại song phương. Sự hợp tác thực chất giữa Trung Quốc và ASEAN đã tiếp tục sâu sắc hơn, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong 4 năm liên tiếp.
Trong tương lai, việc ký kết và thực hiện thỏa thuận nâng cấp Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0 sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ hơn cho hai bên cùng nhau xây dựng một thị trường quy mô siêu lớn.
Thứ hai, việc kết nối đa chiều thuận tiện và hiệu quả hơn đã thúc đẩy trao đổi thương mại. Tại các cửa khẩu biên giới, các đoàn xe chở hàng nối tiếp nhau tấp nập thông quan.
Trong 3 quý đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu Hữu Nghị-cửa khẩu đường bộ lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 336,34 tỷ NDT (khoảng 47,3 tỷ USD), tăng 15,6%. Với việc thúc đẩy toàn diện việc xây dựng các cửa khẩu thông minh Trung-Việt, các thiết bị kỹ thuật thông minh và trí tuệ hóa đã tạo ra “chìa khóa tăng tốc” cho thương mại song phương.
Cùng với đó, vận chuyển đường sắt tiếp tục phát huy vai trò quan trọng. Xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã đạt 3,766 triệu tấn, tăng 15%, giá trị xuất nhập khẩu tăng 50,7%. Các tuyến vận chuyển đường biển ngày càng trở nên dày đặc hơn.
Số lượng các tuyến đường vận chuyển đường biển từ cảng Vịnh Bắc Bộ đến các nước ASEAN đã tăng lên 35 tuyến, khối lượng thương mại với ASEAN thông qua cảng Vịnh Bắc Bộ đã tăng 12,8%.
Thứ ba, hợp tác chuỗi công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm trung gian đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng. Trung Quốc và các nước ASEAN có sự hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực thông tin điện tử, sản xuất ôtô, dệt may…, quy mô xuất nhập khẩu các sản phẩm trung gian không ngừng mở rộng. Trong ba quý đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng trung gian giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 3.230 tỷ NDT (khoảng 454 tỷ USD), tăng 9%.
Cuối cùng, những lợi thế về tiêu dùng hàng ngày của người dân có tính bổ sung cho nhau, sự lựa chọn hai chiều của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng sẽ mở rộng hơn. Trong ba quý đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 184,83 tỷ NDT (khoảng 26 tỷ USD) nông sản từ ASEAN, và ASEAN trở thành nguồn nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Trung Quốc.
Sầu riêng tươi của Malaysia, thủy sản Brunei, dừa tươi Việt Nam... mới được cấp phép nhập khẩu trong năm nay cũng đã làm phong phú thêm sự lựa chọn tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, ASEAN là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc. Cam, quýt, lê…, cũng như tỏi, hành tây và các loại rau củ khác của Trung Quốc rất phổ biến trên thị trường ASEAN. Trong ba quý đầu năm nay, xuất khẩu trái cây và rau quả tươi, khô của Trung Quốc sang ASEAN lần lượt tăng 18,4% và 15,5%./.
Công Tuyên-Link gốc