Cuối 2024, EU vẫn khẳng định vị thế trong điều chỉnh và quản lý công nghệ kỹ thuật số toàn cầu, trong đó AI là trọng tâm nhưng liệu chiến lược này có khiến EU tụt hậu trong cuộc đua công nghệ?
EU đứng trước "ngã ba đường" trong cuộc cách mạng AI. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS
Cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục khẳng định vị thế trong việc điều chỉnh và quản lý công nghệ kỹ thuật số toàn cầu, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) là trọng tâm. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn tồn tại: liệu chiến lược của EU sẽ tạo ra một tương lai hòa hợp giữa con người và máy móc, hay sẽ kìm hãm sự sáng tạo và khiến EU tụt hậu trong cuộc đua công nghệ?
Kể từ khi ban hành Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vào năm 2018, EU đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu toàn cầu. Những quy định này không chỉ đặt ra tiêu chuẩn mới về bảo mật mà còn khiến các "gã khổng lồ công nghệ" như Meta phải đối mặt những khoản phạt khổng lồ, như khoản phạt 91 triệu euro (hơn 96 triệu USD) trong năm nay.
Không dừng lại ở đó, EU tiếp tục mở rộng phạm vi quản lý của mình qua các đạo luật như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), nhằm kiềm chế sự thống trị của các tập đoàn công nghệ lớn như Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance. Những quy định này bao gồm cả việc điều tra các tập đoàn công nghệ về những hành vi có thể vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến, đặc biệt liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Trong bối cảnh EU tiếp tục đẩy mạnh các quy định, Đạo luật AI – luật toàn diện đầu tiên trên thế giới về AI – đã ra đời. Đạo luật này phân loại các hệ thống AI theo mức độ rủi ro, từ “ít” đến “không thể chấp nhận” và có thể áp đặt các khoản phạt lên tới 7% doanh thu toàn cầu của một công ty nếu họ vi phạm. Mặc dù mục tiêu là đảm bảo việc sử dụng AI một cách đạo đức và an toàn, nhưng những điều khoản chưa rõ ràng, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng dữ liệu để huấn luyện AI, đã khiến nhiều công ty công nghệ lo ngại.
Một bức thư ngỏ từ hơn 20 giám đốc điều hành của các công ty lớn đã cảnh báo rằng những quy định của EU có thể làm chậm lại sự đổi mới, đặc biệt khi các công ty công nghệ lớn như Google, Meta và Apple phải hoãn ra mắt sản phẩm tại EU trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp nhỏ cũng phải đối mặt với sức ép tuân thủ, với chi phí có thể lên tới hàng trăm nghìn euro, theo lời của ông Andreas Cleve - Giám đốc điều hành của công ty công nghệ y tế Corti (Đan Mạch).
Ngoài các vấn đề về quy định, một mối lo ngại khác đối với EU là hiện tượng "chảy máu” nhân tài – khi các doanh nhân và nhà sáng lập tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Theo dữ liệu, EU chỉ chiếm chưa đến 9% trong tổng số hơn 1.200 công ty “kỳ lân” (những doanh nghiệp trẻ đạt giá trị thị trường từ 1 tỷ USD trở lên) trên toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm hơn 50%, Trung Quốc chiếm 14%. Những hạn chế về quy định đang khiến các công ty công nghệ châu Âu khó phát triển mạnh mẽ so với các đối thủ đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Khi các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản áp dụng phương pháp tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy định AI, EU lại chọn hướng đi ngược lại, xây dựng một hệ sinh thái AI đáng tin cậy nhưng với các quy định chặt chẽ. Điều này đang tạo ra không ít thách thức cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ muốn phát triển nhanh chóng trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu.
Trong khi các quy định về AI của EU vẫn đang được hoàn thiện, mục tiêu xây dựng một tương lai hòa hợp giữa con người và máy móc của EU vẫn còn là một chặng đường dài. Mặc dù còn vấp phải nhiều tranh cãi, các quy định của EU vẫn được xem là sự điều chỉnh cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn của công nghệ này. Như nhà khoa học Geoffrey Hinton - người được mệnh danh là “cha đẻ của AI” - từng cảnh báo rằng nếu không đánh giá đầy đủ các rủi ro mà AI gây ra, nhân loại có thể sẽ đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.
Thanh Phương-Link gốc